In bài viết

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cắt băng thông xe cây cầu 'cánh sóng vươn xa' của Hải Phòng

(Chinhphu.vn) - Chiều 25/1, UBND TP. Hải Phòng chính thức thông xe kỹ thuật công trình cầu Rào 1 bắc qua sông Lạch Tray với tổng mức đầu tư 2.265 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã tới dự và cắt băng thông xe.

25/01/2022 18:52
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cắt băng thông xe cây cầu 'cánh sóng vươn xa' của Hải Phòng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cắt băng thông xe cầu Rào. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Công trình cầu Rào 1 được xây dựng ngay tại vị trí của cầu Rào cũ - điểm nối giữa trung tâm Thành phố Cảng với khu du lịch Đồ Sơn thông qua trục đường Lạch Tray - đường 353, đồng thời là cửa ngõ giao thương kết nối trực tiếp với hệ thống đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cầu Rào cũ sau hơn 40 năm khai thác đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong giao thông khi mật độ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua đây ngày càng gia tăng. Việc đầu tư xây dựng cầu Rào mới thay thế cho cầu Rào cũ là rất cấp thiết, đáp ứng nhu cầu sử dụng trước mắt cũng như lâu dài của TP. Hải Phòng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cắt băng thông xe cây cầu 'cánh sóng vươn xa' của Hải Phòng - Ảnh 2.

Với quy mô, kiến trúc hiện đại theo hình dáng "cánh sóng vươn xa", công trình mang ý nghĩa biểu tượng cho ý chí, khát vọng vươn lên, vươn xa của Hải Phòng theo định hướng phát triển kinh tế gắn với biển. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Theo thiết kế, cầu Rào mới là công trình vĩnh cửu được xây dựng bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính dài khoảng 456,5 m, rộng 30,5 m, gồm 3 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng, quy mô 6 làn xe, kết nối trực tiếp đường 353 với đường Lạch Tray trên trục chính giao thông vào trung tâm Thành phố. Các cầu nhánh rộng 9 m với 2 làn xe, kết nối với nút giao tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường Bùi Viện và Lạch Tray.

Ở hai đầu cầu là các công viên cảnh quan, cây xanh, đồng thời lắp đặt hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật và báo hiệu an toàn giao thông đồng bộ, hiện đại trên vòm cầu cũng như dọc tuyến cầu và hệ thống đường dẫn...

Mặc dù cầu Rào là công trình có quy mô đầu tư lớn và có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao nhưng tiến độ thi công được rút ngắn tối đa, tính từ lúc bắt đầu xây dựng vào tháng 12/2020 đến ngày thông xe kỹ thuật 25/1 thì thời gian thi công chỉ hơn 13 tháng.

Với quy mô, kiến trúc hiện đại theo hình dáng "cánh sóng vươn xa", công trình mang ý nghĩa biểu tượng cho ý chí, khát vọng vươn lên, vươn xa của Hải Phòng theo định hướng phát triển kinh tế gắn với biển.

Cầu Rào mới hứa hẹn là điểm nhấn giúp Hải Phòng, Thành phố của những cây cầu, mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm gần đây, Hải Phòng là địa phương luôn ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hàng chục cây cầu và các tuyến, nút giao thông đã được chỉnh trang, khai mở, góp phần quan trọng giúp Hải Phòng có sự tăng trưởng đột phá.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề nghị: "Các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành cầu và nút giao trong tháng 4/2022; hoàn thành công trình cải tạo vỉa hè trong năm 2022. Yêu cầu quận Ngô Quyền, Lê Chân tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành  trong tháng 6/2022; tiếp tục đề nghị các hộ dân 2 bên đường Lạch Tray ủng hộ và sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện Dự án".

Rút tiến độ, hoàn thành tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng ngay trong năm 2022

Cũng trong chiều nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đi kiểm tra dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng theo hình thức đối tác công tư PPP.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cắt băng thông xe cây cầu 'cánh sóng vươn xa' của Hải Phòng - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng kiểm tra dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP. Hải Phòng. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Hiện dự án đang được gấp rút thi công, đã thực hiện khoảng 33% khối lượng công việc, bao gồm xử lý nền đất yếu, đào, đắp nền đường, cấp phối đá dăm, cống ngang đường, cầu Lạch Họng, cầu ĐH.212.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cắt băng thông xe cây cầu 'cánh sóng vươn xa' của Hải Phòng - Ảnh 4.

Lãnh đạo Thành phố, các nhà thầu, đơn vị tư vấn, thi công bắt tay, cam kết với Phó Thủ tướng hoàn thành toàn tuyến, đưa vào sử dụng ngay trong năm 2022. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Sau khi kiểm tra công trường, Phó Thủ tướng cho rằng hiện công trình đã được bàn giao đầy đủ mặt bằng, sẵn vật liệu, đã bố trí đủ vốn, do đó hoàn toàn có cơ sở để rút ngắn tiến độ. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TP. Hải Phòng, các nhà thầu khẩn trương tháo gỡ một số vướng mắc, huy động phương tiện, nhân lực, tổ chức thi công 2 ca liên tục để rút ngắn tiến độ từ 15 tháng xuống còn khoảng 9 tháng. "Các đồng chí phải hứa và nỗ lực tối đa để hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình ngay trong năm 2022",  Phó Thủ tướng yêu cầu.

Khởi công nhà ga T2 sân bay Cát Bi trong quý I/2022

Phó Thủ tướng cũng đi kiểm tra dự án mở rộng sân đỗ máy bay và công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga hành khách số 2 (T2)  sân bay Cát Bi với quy mô công suất thiết kế 5 triệu khách/năm.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cắt băng thông xe cây cầu 'cánh sóng vươn xa' của Hải Phòng - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng kiểm tra dự án mở rộng sân đỗ máy bay và công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga T2, sân bay Cát Bi. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi là một trong những sân bay quan trọng trong cả nước. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã xác định mở rộng Cảng hàng không Cát Bi là mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh liên kết vùng, các địa phương ven biển Đông Bắc. Do đó, việc đầu tư, phát triển Cảng hàng không quốc tế Cát Bi không chỉ phục vụ cho hoạt động kinh tế, xã hội của riêng TP. Hải Phòng mà còn cho cả vùng duyên hải Bắc Bộ.

Kiểm tra dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, khẩn trương triển khai nhà ga hành khách số 2, phấn đấu khởi công dự án trong quý I/2022, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công.

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với tổng mức đầu tư 2.050 tỷ đồng; khai thác nội địa với 2 cao trình (tách biệt cao trình đi và cao trình đến) và các hạng mục phụ trợ, bao gồm: Đường tầng, nhà để xe ngoại trường, trạm điện, cấp nước, xử lý nước thải, nhà để xe hai bánh, trạm thu phí; hệ thống đường ra vào nhà ga, đường nội bộ kết nối, bãi đậu ô tô trước nhà ga, cây xanh cảnh quan...

Theo quy hoạch, đến năm 2030, sân bay Cát Bi đạt tiêu chuẩn 4E, công suất 13 triệu khách/năm.

Đức Tuân