In bài viết

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Chạy đua với thời gian, làm sao hạn chế tối đa số người chết, bị thương

(Chinhphu.vn) - Chiều 27/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương cùng đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị. Sau cuộc kiểm tra, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp rà soát công tác ứng phó bão số 4 tại đầu cầu UBND tỉnh Quảng Trị. Dự họp có lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 4.

27/09/2022 20:50
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác ứng phó bão tại Quảng Trị - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương cùng đoàn công tác đi kiểm tra việc phòng chống bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời phát sinh do cơn bão gây ra

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, chỉ còn mấy tiếng nữa thì bão sẽ đổ bộ vào đất liền, thời gian rất quý. Do đó, cần nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những phát sinh do cơn bão gây ra.

Cho biết về việc kiểm tra khu vực bị lốc xoáy tại Quảng Trị, Phó Thủ tướng cho rằng dù chuẩn bị kỹ càng thì vẫn còn tình huống đột xuất, bất ngờ. Mặc dù bão chưa vào nhưng lốc xoáy làm 100 ngôi nhà tốc mái, 3 người bị thương. Quảng Trị đã vào cuộc kịp thời đưa người gặp nạn đi cấp cứu.

Phó Thủ tướng đề nghị cuộc họp tập trung vào các biện pháp cấp bách trước mắt khi chỉ còn ít thời gian nữa bão sẽ vào. Trong đó, tập trung vào các biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân, sức khỏe, tính mạng của người dân là hàng đầu. Điều đó liên quan đến sơ tán, bố trí chỗ ở, đã vận động bà con sơ tán hết hay chưa? "Làm sót cái này thì bão vào thì nguy hiểm cho người dân. Đây là nhiệm vụ số 1".

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác ứng phó bão tại Quảng Trị - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác kiểm tra chợ Cửa Việt - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Thứ hai, phải xác định bảo vệ các công trình trọng điểm, quan trọng mà ảnh hưởng lớn đến dời sống ktxh cũng như an toàn cho nhân dân: hồ đập, đê điều, đường sá, bệnh viện, bảo vệ hệ thống điện…

Thứ ba, Phó Thủ tướng đề nghị báo cáo về việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, ứng cứu trường hợp bị chia cắt. "Có thể xảy ra tình huống chưa lường hết như đê biển bị sóng đánh thì ứng cứu như thế nào?"

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác ứng phó bão tại Quảng Trị - Ảnh 3.

Tuy bão số 4 chưa đổ bộ nhưng chợ Cửa Việt đã bị lốc xoáy thổi tốc mái - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Chống bão phải tận dụng từng giờ, vừa họp vừa điều hành. Đêm nay, phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở

Chủ tịch UBND Đã Nẵng Lê Trung Chinh: Đến nay, tất cả công việc đã xong. 8 giờ tối cấm người dân ra đường. Hiện đường còn ít người đi lại.

Phó Thủ tướng cho rằng, chống bão tận dụng từng giờ, vừa họp vừa điều hành. Tôi hỏi các đồng chí thuyền bè còn người trên tàu không? Tôi vừa đi kiểm tra ở khu neo đậu, quảng trị, 400 tàu vào neo đậu nhưng có tàu vẫn sáng đèn. Tôi đề nghị các đồng chí cho lực lượng xuống kiểm tra tất cả tàu thuyền xem còn người không. Anh Chinh cho kiểm tra và báo cáo lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết: Hiện trên địa bàn đã có mưa. Tuy nhiên, lượng mưa chưa lớn, phổ biết từ 30-80mm. Khu vực ven biển bắt đầu có gió cấp 5-6. Sóng 1,5m. Đến 3.00 chiều nay, tỉnh đã di dân xong với 14.443 hộ.

"Chúng tôi đã cho học sinh nghỉ học hôm nay và ngày mai. 21h tối nay cấm ra đường", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác ứng phó bão tại Quảng Trị - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền, động viên ngư dân tại cảng cá Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Về mưa lũ, tỉnh đã di dân ở khu vực sạt lở cao. Về đê biển, tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi, dứt bão là hộ đê, gia cố ngay với vật tư chuẩn bị sẵn: đá hộc, bao cát, vải bạt.

Các tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Chúng ta đã nâng cấp 1 số âu thuyền đáp ứng cho tàu thuyền neo đậu, không chỉ cho tỉnh mà cả các địa phương bạn. Với cơ sở hạ tầng tốt, người dân tự giác không có mặt trên tàu. Trước đây khi không có hạ tầng tốt, người dân vẫn ở lại tàu để tát nước mưa. Chúng tôi kiểm tra 100% đã khóa cửa cabin, người dân đã di dời hết.

Tỉnh cũng đã dự trữ sẵn một cơ số lương thực: 100 tấn mì ăn liền và 100 tấn gạo. Cố gắng bảo đảm lương thực cho 5-7 ngày khi bị chia cắt.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác ứng phó bão tại Quảng Trị - Ảnh 5.

Tàu thuyền neo đậu an toàn tại cảng cá Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công tác ứng phó bão tại Quảng Trị - Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng Đoàn công tác thăm hỏi bà con đang tránh trú bão tại Trường tiểu học Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, tối nay sẽ về Thừa Thiên Huế họp điều hành tiếp, nếu cần thiết, có thể họp điều hành xuyên đêm. "Đêm nay, phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, dự tại điểm cầu của Ban Chỉ đạo tiền phương cho biết, người dân cơ bản chấp hành tốt việc di dời, cũng có một số trường hợp phải cưỡng chế. 

Tính đến 18h hôm nay (27/9), toàn Thành phố có 1.568 tàu, thuyền ghe đã tập kết về nơi trú tránh như âu thuyền Thọ Quang trên sông Hàn. Trên Vịnh Đà Nẵng có 10 tàu hàng đang neo đậu. Các thuyền viên trên tàu chấp hành việc lên bờ. Tuy nhiên, vẫn có khoảng  100 người ở lại vì sợ đắm tàu thuyền. Cơ quan chức năng đang tổ chức cưỡng chế lên bờ. 

Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết thêm, bão có khả năng vào đúng thời điểm triều cường, hiện nước sông Hàn mấp mé bờ, khu vực ven biển có nguy cơ sóng đánh vào, gây nguy hiểm lớn. Do đó, lãnh đạo Thành phố yêu cầu di dân thêm tuyến nữa. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, các địa phương sau cuộc họp chỉ đạo ngay bộ đội biên phòng kiểm tra các tàu thuyền, mời những ai còn ở lại lên bờ. Cố gắng đến 9h tối không còn một bóng đèn sáng trên các tàu. 

Từ đầu cầu Ban chỉ đạo tiền phương tại Đà Nẵng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, bão gây sóng cao, cùng với thuỷ triều, gió to nên gây nguy hiểm lớn. Các lực lượng ứng trực 24/24, khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, đặt tính mạng người dân lên trên hết, chuyển trạng thái từ vận động sang cưỡng chế di dời. Bộ trưởng đề nghị kiểm tra lần cuối những điều kiện cần thiết để thực hiện “4 tại chỗ”, tập trung kiểm tra vùng xung yếu. Các địa phương cần báo cáo kịp thời các tình huống phát sinh về ban chỉ đạo.

Chạy đua với thời gian, hạn chế tối đa số người chết, bị thương

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Chạy đua với thời gian, làm sao hạn chế tối đa số người chết, bị thương - Ảnh 7.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần khẩn trương, khẩn trương hơn nữa, tất cả vì tính mạng của nhân dân, đặt tính mạng của nhân dân lên trên hết - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão của các địa phương, từ cấp tỉnh đến huyện, xã, thôn. Triển khai đồng bộ, bài bản các giải pháp trên các lĩnh vực.

Chúng ta đã chuẩn bị chu đáo cả về lực lượng, cơ sở vật chất cho phòng chống bão. Tuy nhiên, đây là cơn bão mạnh, cùng với mưa lớn, thủy triều dâng, nên nguy cơ tăng lên nhiều lần.

"Toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương với địa phương, tập trung thật cao, huy động tối đa mọi lực lượng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải chạy đua với thời gian, làm sao hạn chế tối đa số người chết, bị thương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần khẩn trương, khẩn trương hơn nữa, tất cả vì tính mạng của nhân dân, đặt tính mạng của nhân dân lên trên hết. Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát toàn bộ người dân ở tất cả khu vực có nguy cơ: Sạt lở, lũ quét, neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản.

"Của đau con xót, nên có người dân vẫn cố ở lại trên tàu, trên lồng bè. Vì tính mạng của người dân, buộc phải cưỡng chế. Nếu bão cấp 14 thì người trên tàu không thể an toàn".

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Chạy đua với thời gian, làm sao hạn chế tối đa số người chết, bị thương - Ảnh 8.

Phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở để nếu cần thiết, có thể họp điều hành chống bão xuyên đêm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để người dân yên tâm di dời thì cần quan tâm bố trí lực lượng bảo quản tài sản cho người dân. Các công trình quan trọng ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh, tới phòng chống bão như hồ đập, đê biển, hệ thống điện, bệnh viện… phải tăng cường ứng trực, thông tin thường xuyên để có giải pháp kịp thời. Điều tiết các hồ đập phải khoa học, bài bản, tránh để gia tăng ảnh hưởng đến người dân. Cần bảo đảm an toàn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phải rà soát, xác định trọng tâm, trọng điểm để phối hợp kịp thời, khi xảy ra sự có phải có lực lượng sẵn sàng ứng phó. Tinh thần ban chỉ đạo tiền phương trực cho đến khi bão tan, các địa phương có vấn đề gì thì báo ngay về, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Đêm nay, phòng họp trực tuyến của các địa phương phải mở - Ảnh 7.

Tập trung ứng phó bão số 4.

Tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4

Trước đó, ngày 25/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện số 855/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. 

Công điện gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum và thành phố Đà Nẵng. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Công điện nêu: Cơn bão có tên quốc tế Noru đang tiến vào Biển Đông (và sẽ trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông từ đầu năm 2022), sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, sau khi vào Biển Đông bão số 4 có thể vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 (khi đến Nam quần đảo Hoàng Sa), khi vào gần bờ có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.

Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo từ ngày 26 tháng 9 bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và bắc Biển Đông, chiều tối ngày 27 tháng 9 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.

Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.

2- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ: tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; căn cứ diễn biến và dự báo bão, ban hành Lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch); rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét,…; chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trước và trong khi bão đổ bộ và mưa lũ,…

3- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với địa phương chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, tàu thuyền, hoạt động thủy sản, hệ thống điện, bảo đảm an toàn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, …

4- Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, vùng cửa sông, trên sông, đặc biệt lưu ý những khu vực đã từng xảy ra các sự cố tàu vận tải khi có bão, lũ; phối hợp với Bộ Công an và các địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các trục giao thông chính.

5- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hệ thống hạ tầng thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai trong mọi tình huống.

6- Các Bộ: Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão số 4 và mưa lũ do bão, đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn cho học sinh, khách du lịch khi xảy ra bão, lũ.

7- Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho người dân và tàu thuyền của Việt Nam vào trú tránh bão khi có yêu cầu của địa phương.

8- Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các đơn vị đóng trên địa bàn rà soát phương án, chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

9- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tiếp tục theo dõi, đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo ứng phó của các cấp các ngành để Nhân dân biết, chủ động phòng, chống.

10- Giao Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức trực ban, nắm chắc tình hình, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, địa phương triển khai công tác ứng phó cụ thể sát với diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Đức Tuân