Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu trước Quốc hội chiều 9/6/2022
Chiều nay, 9/6, phát biểu tại phiên chất vất và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phát biểu, làm rõ thêm một số nội dung tổng thể triển khai đường bộ cao tốc trong giai đoạn tới đây.
Phó Thủ tướng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 hoàn thành 5.000 km đường cao tốc.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 18-KL/TW ngày 8/10/2021 xác định Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia phải được hoàn thành và cần ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, bổ sung nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với tổng nguồn lực bố trí cho đường cao tốc là 339 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025.
Về các danh mục triển khai đường cao tốc trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung một số dự án lớn. Đó là, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (654 km), tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (729 km) và Chính phủ đã trình Quốc hội kỳ họp này 5 tuyến cao tốc (549 km).
Như vậy tổng chiều dài toàn bộ các tuyến cao tốc đã và đang triển khai là 1.932 km. Số km cao tốc đã hoàn thành tới thời điểm hiện nay là 1.290 km. Phó Thủ tướng cho biết, cả các công trình đã đưa vào khai thác và các công trình đang triển khai chúng ta sẽ có 3.222 km đường cao tốc (số đã hoàn thành và đang triển khai).
Về kế hoạch triển khai các dự án, theo Phó Thủ tướng, tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654 km, đã khởi công rải rác trong các năm 2019, 2020, 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023. Trong đó năm 2022 phấn đấu hoàn thành 361 km bao gồm 4 dự án như Bộ trưởng Bộ GTVT đã báo cáo với Quốc hội sáng nay.
Tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729 km (được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022), hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, triển khai kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù, toàn bộ 729 km dự kiến khởi công tháng 12/2022, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025 và cũng là thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài 2.063 km từ Lạng Sơn tới Cà Mau.
Các tuyến còn lại là tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng; tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu, tuyến Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột, dự kiến khởi công tháng 6/2023 (nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này), cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.
Đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, đường vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6/2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
"Như vậy, có thể thấy tốc độ tập trung rất cao về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay, nhất là phát triển đường cao tốc", Phó Thủ tướng nói.
Qua tổng hợp số liệu, trong giai đoạn vừa qua, tổng chiều dài của các tuyến đường cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021-2025 gấp gần 4 lần giai đoạn 2015- 2020 (1932/487 km). Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 cũng gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015-2020 (339 nghìn tỷ đồng/89 nghìn tỷ đồng).
"Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề", Phó Thủ tướng nói rõ thêm: Thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định hiện hành rất rườm rà, thường triển khai mất 2 đến 3 năm mới xong thủ tục đầu tư cho một dự án. Giải phóng mặt bằng lớn, khoảng 10.198 ha, di dời tái định cư khoảng 19.841 hộ. Riêng khối lượng vật liệu xây dựng (đá, cát, vật liệu đắp) lên tới khoảng 200 – 250 triệu mét khối. "Khối lượng công việc là rất lớn", Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Về cơ sở và các giải pháp để triển khai, Phó Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất là phải tập trung cao nguồn lực, đầu tư dứt điểm, không dàn trải. "Tới nay Quốc hội đã phân bổ 339 ngàn tỷ đồng, đủ điều kiện để chúng ta triển khai dứt điểm các công trình trong giai đoạn tới đây".
"Thứ hai là rút ngắn thủ tục đầu tư từ 1-2 năm, trước đây triển khai 2-3 năm thì tới đây chỉ triển khai trong 1 năm". Phó Thủ tướng lấy ví dụ, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội phê duyệt từ năm 2017, triển khai các thủ tục đầu tư đến năm 2021 mới bắt đầu khởi công. Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 1/2022, nhưng sẽ khởi công đồng loạt vào cuối năm nay.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết 43-44 cho phép chỉ định thầu các gói thầu, từ khảo sát thiết kế tới đền bù, tái định cư, di dời, xây lắp. Đây là những nghị quyết rất quan trọng, quyết định để hoàn thành được tiến độ hay không.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 133, Nghị quyết 66 để đảm bảo nguồn cung vật liệu cho giai đoạn 1.
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ phân cấp cho Bộ Giao thông vận tải, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua làm cơ quan chủ quản quyết định đầu tư các dự án đường bộ cao tốc.
Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo với thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua; thực hiện giao ban định kỳ hàng tháng để kiểm điểm tiến độ công việc, Bộ Giao thông vận tải và các chủ đầu tư thực hiện giao ban hàng tuần để tháo gỡ những khó khăn, xử lý các nhà thầu không đảm bảo tiến độ như đồng chí Bộ trưởng đã báo cáo.
"Trường hợp tới đây các nhà thầu chậm tiến độ chúng ta phải thay ngay", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Các Ban quản lý Dự án cũng phải chủ động phải tháo gỡ các vướng mắc khó khăn thì mới có thể bảo đảm được tiến độ của các dự án.
"Việc hoàn thành những nhiệm vụ trên, phải khẳng định là không dễ dàng gì. Chính phủ sẽ quyết tâm rất cao để thực hiện bằng được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội 13 đã đề ra, để chúng ta hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến 2025 và 5.000km đường cao tốc đến năm 2030", Phó Thủ tướng bày tỏ và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ và ủng hộ của Quốc hội để phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đức Tuân