Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đi kiểm tra thực tế một số đơn vị, địa phương ứng dụng CNTT như: Thành phố Hội An, trường THPT Lê Quý Đôn, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam, tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực mà Quảng Nam đã đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới, các ngành chức năng ở Quảng Nam cần nỗ lực hơn nữa trong công tác ứng dụng CNTT; trong đó tập trung vào những công việc trọng tâm: Dự trù mục lục CNTT tùy theo tình hình địa phương để Chính phủ có hướng xử lý phù hợp; tiếp tục rà soát việc ứng dụng mã nguồn mở để có cơ chế hỗ trợ Quảng Nam về đích sớm theo chương trình. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Thông tin & Truyền thông, Kế hoạch & Đầu tư… xem xét trình Chính phủ hỗ trợ Chương trình Chính phủ điện tử cấp quận, huyện để Quảng Nam hoàn thành vào năm 2013 (toàn quốc là 2015); tiếp tục rà soát, xem xét để hỗ trợ cho vay mua máy tính giá rẻ cho cán bộ, giáo viên, sinh viên… trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; phấn đấu xây dựng Hội An trở thành thành phố kết nối internet không dây nhằm tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho du khách; khuyến khích các huyện nghèo nằm trong Chương trình 30a (Tây Giang, Phước Sơn và Nam Trà My) tích cực tham gia xây dựng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam: Việc Chính phủ quyết định Quảng Nam là một trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là điều kiện để Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Đây cũng là cơ hội lớn để ngành công nghiệp CNTT có bước phát triển đột phá, trở thành một trong những ngành chủ lực của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng phát triển ứng dụng CNTT và đạt được một số kết quả nhất định. Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Nam đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2005, cung cấp thông tin kinh tế, chính trị xã hội, giới thiệu hình ảnh, con người Quảng Nam, cung cấp các thông tin, công cụ tiện ích khác như: chuyển tải thông tin chỉ đạo điều hành, các thông báo kết luận của lãnh đạo tỉnh; thông tin liên hệ các ban, ngành, địa phương trong tỉnh; thông tin về thủ tục hành chính... Hầu hết các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đều đã có website cung cấp thông tin về hoạt động của đơn vị, địa phương mình; một số địa phương đã triển khai phần mềm “một cửa điện tử” như: Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình, Bắc Trà My, Phú Ninh… Đến nay, Cổng giao tiếp điện tử cung cấp tổng số dịch vụ hành chính công khoảng gần 1.000 dịch vụ đến mức độ 2 (cho phép tra cứu và tải mẫu đơn) trên tổng số 1.662 thủ tục hành chính. Quảng Nam cũng đã triển khai xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình với quy mô 6 điểm trên địa bàn cả tỉnh. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thành thạo tin học văn phòng là 90% đối với cấp tỉnh và 70% đối với cấp huyện; 70% các văn bản tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện qua mạng interrnet...
Nguyễn Sơn