Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao 500 áo phao, dụng cụ nổi, phao cứu sinh cho đại diện một số doanh nghiệp vận tải đường thủy. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và vận tải đường thủy nội địa có những chuyến biến tích cực trên toàn quốc với sự vào cuộc chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, chính quyền các địa phương cùng sự đồng thuận của nhân dân.
Đây là năm thứ 5 liên tiếp không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng tại các bến khách ngang sông, dọc tuyến. Số người chết vì tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên phạm vi cả nước giảm 32,08%. Nhiều "điểm đen" về tai nạn giao thông đường thủy đã được xóa bỏ.
Theo Phó Thủ tướng, nhiều địa phương đã đưa ra mô hình giám sát xã hội của các tầng lớp nhân dân, công bố đường dây nóng và có nhiều hình thức truyền thông khác, góp phần mang lại hiệu quả đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông, trong đó có đường thủy nội địa.
Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chuyên trách của thành phố Hải Phòng thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa, kiên quyết không cho các phương tiện rời bến đò, bến tàu nếu hành khách không có đủ áo phao mặc đúng quy định.
“Nếu địa phương nào để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm và xem xét hình thức kỷ luật do buông lỏng quản lý”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng thăm cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trên tàu làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết: Đến năm 2015, cả nước có khoảng 5.755 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động. Số cảng thủy nội địa (gồm cả cảng hàng hóa và hành khách) là 164 cảng.
Trên đường thủy nội địa quốc gia, có 129 cảng hàng hóa và 2 cảng hành khách; tuyến đường thủy nội địa địa phương có 26 cảng hàng hóa và 7 cảng hành khách. Trong 5.591 bến thủy nội địa phục vụ bốc xếp hàng hóa, số bến được cấp phép hoạt động là 4.548 bến (đạt 85%); số bến chưa cấp phép hoạt động là 1.043 bến (chiếm 15%). Có 1.898/2.283 bến khách sang sông được cấp phép hoạt động.
Vận tải đường thủy nội địa chiếm 16,5% thị phần vận tải hàng hóa, 6,4% thị phần vận tải hành khách và đang có chiều hướng gia tăng để hỗ trợ vận tải đường bộ.
Theo thống kê, đến ngày 15/9, cả nước xảy ra 91 vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, làm chết 38 người, bị thương 7 người, chìm đắm 82 phương tiện. So với 9 tháng đầu năm 2014, tăng 9 vụ nhưng giảm 18 người chết, số người bị thương không tăng, không giảm.
Về giải pháp, ông Giang nhấn mạnh đến việc rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương trong công tác kiểm tra, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Cần sớm xây dựng lộ trình đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy nội địa hợp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân...
* Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trên tàu làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và trao 500 áo phao, dụng cụ nổi, phao cứu sinh cho đại diện một số doanh nghiệp vận tải đường thủy.
Lê Sơn