Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng khẳng định, năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng
“Trong kết quả chung của cả nước, có sự đóng góp rất quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - đơn vị chủ lực trong ngành năng lượng, có vai trò bảo đảm cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Nguy cơ thiếu điện là rõ ràng nếu không có giải pháp hữu hiệu
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngành điện nói chung, EVN nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, cung ứng đủ điện.
“Nguy cơ thiếu điện cục bộ trong những năm tới là rất rõ ràng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu để phát triển nguồn, lưới điện. Đây là thách thức lớn nhất đối với toàn ngành”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, nhu cầu điện cho phát triển sản xuất và đời sống người dân đang tăng nhanh, vượt quá khả năng cung ứng. Hiện tổng công suất nguồn điện nước ta khoảng 48.000 MW. Với tốc độ tăng nhu cầu khoảng 10%/năm (theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) đến 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia sẽ là 90.000 MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm 2030, nhu cầu khoảng 130.000 MW.
“Đáng chú ý, đây là tốc độ tăng trưởng theo tính toán, nhưng chúng ta đều biết con số thực tế có thể cao hơn do tốc độ phát triển kinh tế ngày càng nhanh”, Phó Thủ tướng nhận định.
Trong khi đó, thủy điện hiện đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nhưng đã khai thác gần hết, khó có khả năng phát triển thêm.
Việc phát triển các nguồn điện thay thế gặp nhiều khó khăn do Việt Nam đã quyết định dừng triển khai điện nguyên tử; nhiều dự án nhiệt điện bị chậm tiến độ (cả các dự án của EVN, ngoài EVN). Các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể phát triển trên quy mô lớn do chi phí cao; hệ thống truyền tải chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước với nguồn lực còn hạn chế, chưa đủ khả năng phát triển nguồn điện. Việc vay vốn nước ngoài để phát triển nguồn điện cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các thủ tục về bảo lãnh Chính phủ.
“Hiện nay, các hồ thủy điện, đặc biệt tại miền Trung, đang thiếu nước trầm trọng; khả năng cung ứng than cho phát điện chưa ổn định; nguồn khí trong nước đã suy giảm mạnh nhưng nguồn thay thế triển khai chậm”. Tất cả đang đặt lên ngành điện sức ép rất lớn để thực hiện mục tiêu cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, thách thức lớn đối với ngành điện còn đến từ sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng của từng vùng. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung (gần 60%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%.
Trong bối cảnh đó, hệ thống truyền tải giữa các vùng, miền chưa đáp ứng yêu cầu, việc phát triển và quản lý hệ thống truyền tải điện còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc xây dựng các tuyến đường dây truyền tải “xương sống”, các tuyến nhánh còn chậm, chưa tương thích với tiến độ các dự án phát triển nguồn. Quá trình đàm phán nhập khẩu điện của nước ngoài diễn ra chậm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Quyết định bổ nhiệm Thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho ông Trần Đình Nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Làm nhiệt điện, nhưng phải sạch
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, người dân vẫn thiếu thông tin, hiểu chưa đầy đủ về ngành điện, về nhu cầu, nguồn cung, giải pháp đáp ứng đủ điện, đặc biệt về phát triển nhiệt điện…
“Thực tế, không phải tất cả các dự án nhiệt điện than đều ô nhiễm, quan trọng là sử dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm, quản lý tốt quá trình đầu tư xây dựng, vận hành khai thác nhà máy”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Nhưng các nguồn năng lượng tái tạo hiện chi phí quá cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân. Do đó, để phát triển và bảo đảm sinh hoạt cho người dân, Việt Nam cần nhiệt điện.
“Làm nhiệt điện, nhưng phải sạch. Kiên quyết không triển khai các dự án ô nhiễm môi trường”, Phó Thủ tướng khẳng định.
“Muốn như vậy, phải có cơ cấu nguồn điện hợp lý, kết hợp thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí và các nguồn nhiệt điện khác, các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”, Phó Thủ tướng nêu nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng đề nghị ngành điện cần chủ động tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với các nỗ lực của ngành nhằm bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống.
Bứt phá để bảo đảm đủ điện
Nhấn mạnh năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch 5 năm, trong đó trọng tâm là bứt phá về hoàn thiện thể chế, bứt phá về đổi mới sáng tạo, bứt phá về huy động nguồn lực để phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành điện nói chung, EVN nói riêng phải xác định trọng tâm “bứt phá” của mình.
“EVN phải xác định bứt phá về đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện, bảo đảm không để thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm của EVN trong năm 2019.
Trước hết, EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là Tập đoàn nhà nước bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt.
EVN chủ động tham mưu cho Bộ Công Thương, cho Chính phủ hoàn thiện quy hoạch điện, trước hết điều chỉnh, bổ sung, cập nhật quy hoạch điện 7; xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050.
“Phải tính toán cung-cầu điện cho từng giai đoạn; xác định lại cơ cấu các nguồn điện, hệ thống truyền tải trong từng giai đoạn, khu vực, vùng miền; xác định các nguồn điện ưu tiên để triển khai thực hiện”, Phó Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bên cạnh đó, toàn ngành phải tập trung nguồn lực để hoàn thành các dự án điện chậm tiến độ; triển khai các dự án nguồn mới. Cụ thể, EVN và các doanh nghiệp trong ngành điện đẩy nhanh tiếp độ các dự án nguồn điện lớn như Nhơn Trạch 3-4, Ô Môn 3-4, Tân phước, Long Phúc 2-3, Quảng Trạch, Quỳnh Lập… Tập trung đầu tư mạng lưới truyền tải giải toả công suất các khu vực phát triển năng lượng tái tạo.
Toàn ngành phải vận hành an toàn hệ thống (nguồn, mạng lưới, phụ tải…), đặc biệt là việc vận hành an toàn các nhà máy thủy điện; thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm tổn thất điện; đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các chương trình sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu đầu tư các cảng trung chuyển than, hệ thống kho - cảng khí hóa lỏng cho sản xuất điện; sớm hoàn thành việc đàm phán, mua điện từ nước ngoài.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu EVN phải tiếp tục cơ cấu lại Tập đoàn, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh.
Chủ động phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư (nguồn, lưới, nâng cao năng lực hệ thống điện…), bảo đảm đúng tiến độ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức quản lý, bộ máy điều hành theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Làm tốt công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm. Tiết kiệm chi phí trong sản xuất, đầu tư xây dựng. Rà soát lại danh mục các dự án, kiên quyết không đầu tư các dự án kém hiệu quả. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Là một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thiết yếu cho người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu EVN phải đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
“EVN phải chủ động thực hiện các biện pháp giảm thời gian tiếp cận điện năng; tăng tính ổn định của toàn hệ thống, đặc biệt tại hộ tiêu thụ lớn (các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp lớn)… Minh bạch chi phí, giá thành, giá điện. Đặc biệt, phải phát huy truyền thống ngành điện vì dân, phục vụ nhân dân”, Phó Thủ tướng nêu nhiệm vụ.
Nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng đề nghị EVN phải tiên phong trong việc quy hoạch nguồn, lựa chọn công nghệ thân thiện môi trường, phù hợp với trình độ, điều kiện của đất nước. Kiên quyết không đầu tư, triển khai các dự án không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
“Phải tập trung cho công tác xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các hộ sản xuất nhiệt điện, tiêu thụ than xỉ để giải quyết triệt để”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phải quan tâm đến đời sống của công nhân, người lao động ngành điện; chủ động thăm hỏi người dân khu vực có dự án.
Đồng thời, Tập đoàn cần triển khai các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên; thực hiện tốt các nhiệm vụ an sinh xã hội.
“Nhiệm vụ đặt ra cho EVN trong những năm tới là rất nặng nề, đòi hỏi toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tập đoàn phải chung sức, đồng lòng, phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện. Với truyền thống 65 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, tôi tin tưởng rằng nhất định EVN sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2019”, Phó Thủ tướng nói.
Xuân Tuyến - Nhật Bắc