Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khảo sát nơi ở của công nhân tại công trường xây dựng khu chung cư cao cấp Hongkong Tower (số 243, đê La Thành). Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng đã trực tiếp xem xét nơi ở của công nhân tại công trường xây dựng khu căn hộ cao cấp Hongkong Tower (số 243, đê La Thành). Đại diện Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, trước đó công nhân công trường ở dưới hai tầng hầm ẩm thấp, đọng nhiều vũng nước nên mật độ bọ gậy dày đặc, rất nhiều muỗi, là môi trường lý tưởng để lây truyền, bùng phát SXH. Vì thế, ngành y tế đã yêu cầu chủ đầu tư chuyển các công nhân lên ở trên sân công trường, đồng thời rắc vôi bột, phun hóa chất diệt muỗi, khử bọ gậy tại tầng hầm tòa nhà. Tuy nhiên việc giữ gìn vệ sinh, các bể nước trước lán ở của công nhân còn rất bẩn, không có nắp đậy, nước tù đọng.
Sau đó, Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra tại khu dân cư ở ngõ 141/1194 đường Láng, phường Láng Thượng, một trọng điểm về dịch SXH ở quận Đống Đa. Một người dân cho biết qua tuyên truyền, cả gia đình bà đều không dám để một chút nước đọng nào ở trong nhà, nước tích trữ chỉ dùng trong ngày, hoa cũng không cắm, sợ muỗi sinh sôi nảy nở.
Trong cuộc làm việc tại trụ sở UBND quận Đống Đa sau khi thị sát, Phó Thủ tướng cho biết chiều 27/7 Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố về tăng cường phòng, chống dịch SXH. Hiện tỷ lệ nhiễm SXH trên cả nước đã tăng hơn 17,2%.
Đánh giá cao những biện pháp tích cực, quyết liệt của TP. Hà Nội trong phòng chống SXH thời gian qua song Phó Thủ tướng “vẫn thấy sốt ruột”.
“Lâu nay, khi nói đến SXH mọi người thường nghĩ đến ở miền Nam, miền Trung nhưng từ đầu năm đến nay Hà Nội có số bệnh nhân SXH cao thứ hai cả nước, còn nếu tính trên tỷ lệ 100.000 dân thì đứng thứ 19. Nếu không có những biện pháp kiên quyết hơn nữa thì ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ nghiêm trọng hơn”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Phó Thủ tướng hỏi chuyện một công nhân về điều kiện ăn ở tại công trường xây dựng khu chung cư cao cấp Hongkong Tower (số 243, Đê La Thành). Ảnh: VGP/Đình Nam |
“Ngay tại những điểm chúng ta vừa thị sát chiều nay cho thấy nguy cơ rất cao, phát sinh ổ dịch SXH ở các công trình xây dựng, khu nhà trọ… do chủ đầu tư, chủ nhà trọ không coi trọng, chú ý. Vì vậy, ngoài vận động, tuyên truyền, phải có biện pháp xử lý rất kiên quyết. Riêng lực lượng y tế, chính quyền làm sẽ không xuể, nhất thiết phải vận động tất cả mọi người dân cùng vào cuộc, phòng chống dịch bền vững”.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết trong 10 năm trở lại đây dịch SXH tại Hà Nội tăng cao vào năm 2009 với 16.090 ca mắc, 4 tử vong; năm 2015 với 15.412 ca mắc; còn lại trung bình mỗi năm ghi nhận từ 5.000 - 6.000 trường hợp mắc.
Riêng năm 2017, tính đến hiện tại, Hà Nội ghi nhận 7.987 ca mắc SXH, nhiều thứ hai cả nước (sau TPHCM). Trong đó gần 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện còn 879 trường hợp đang điều trị, 4 trường hợp tử vong.
Từ đầu năm đến nay TP. Hà Nội ghi nhận 984 ổ dịch thì đến thời điểm hiện tại đã có 789 ổ dịch được khống chế, ổ dịch qua 14 ngày không xuất hiện bệnh nhân mắc mới, (chiếm 80,1%), và hầu hết là các ổ dịch nhỏ: 712 ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân (chiếm 72%); 197 ổ dịch có 3-5 bệnh nhân (chiếm 20%); chỉ có 75 ổ dịch có từ 6 bệnh nhân trở lên (chiếm 8%).
Trước tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, UBND TP. Hà Nội đã liên tiếp ra văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn Thành phố huy động các nguồn lực để tăng cường công tác chống dịch.
Đến ngày 26/7, các quận, huyện đã thực hiện trên 550 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các nơi có ổ dịch đang phát tác. Trên 500.000 hộ gia đình được kiểm tra; 60.308 ổ bọ gậy đã được loại bỏ; thả 56.767 con cá; sử dụng 1.239 lọ Abate, 2.243 gói Mosquiron diệt bọ gậy.
Lực lượng y tế xử lý 984 ổ dịch nhỏ quy mô tổ dân phố, thôn xóm; 56 đợt phun hóa chất diện rộng và 36 lượt phun bằng máy phun cỡ lớn trên ô tô vào ban đêm tại các xã, phường trọng điểm có nhiều bệnh nhân. Kết quả có trên 55.000 hộ gia đình đã được phun hóa chất xử lý đạt tỷ lệ 86%; có 5% số hộ gia đình không đồng ý phun và 9% số hộ gia đình đi vắng.
Phó Thủ tướng thị sát khu dân cư tại ngõ 141/1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại dịch SXH trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan trong điều kiện thời tiết có thay đổi, mùa hè đến sớm, dẫn đến việc truyền bệnh SXH phát triển mạnh.
Điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt. Nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người ở, công trường xây dựng chứa nước... tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản.
Hà Nội là thành phố dân số đông, mật độ cao, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều người dân ngoại tỉnh đến làm ăn và sinh sống trên địa bàn (ghi nhận có khoảng 40% người mắc SXH là học sinh sinh viên và lao động ngoại tỉnh).
Trong khi đó, các biện pháp phòng chống tại cộng đồng như diệt bọ gậy, phun hóa chất chống dịch tại các khu vực ổ dịch còn chưa được triệt để, hiệu quả chưa cao do nhiều hộ gia đình đi vắng hoặc không hợp tác với nhân viên y tế.
Một số khu vực như khu đất trống không có người trông coi, khu đất xen kẹt, công trường, khu vực xây dựng chưa hoàn thiện... còn nhiều dụng cụ chứa nước là nơi phát sinh các ổ bọ gậy và tác nhân lây truyền bệnh khó được xử lý triệt để.
Ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, mặc dù được tuyên truyền hướng dẫn nhưng một số còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định việc phòng chống SXH được coi là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, Thành phố sẽ cương quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất. Các xã, phường, thị trấn sẽ thành lập các tổ tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch, tự bảo vệ sức khỏe của mình và cho cả cộng đồng tại địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với một gia đình đang ở trọ tại khu dân cư ngõ 141/1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phòng chống dịch bệnh nói chung và SXH nói riêng từ trước đến nay là công việc thường xuyên, thực hiện khá tốt từ dự phòng đến điều trị. Riêng bệnh SXH tỷ lệ người mắc và tử vong vào hàng thấp nhất khu vực. Tuy nhiên những thay đổi thời tiết cũng làm dịch bệnh diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có giải pháp bổ sung, quyết liệt hơn.
Phó Thủ tướng cho rằng giải pháp phòng chống dịch SXH không mới, “cốt lõi là tuyên truyền vận động, kết hợp với xử lý kiên quyết”.
Theo Phó Thủ tướng, không chỉ tập trung vào diệt các ổ loăng quăng, bọ gậy mà quan trọng hơn cả là chính quyền, đoàn thể phải vận động, tuyên truyền mọi người dân cùng tham gia thường xuyên, liên tục thay vì theo đợt.
“Cuộc khảo sát tại Hà Nội cho thấy thực tế ngoài các khu dân cư, hiện nay các công trình xây dựng, nơi ở của người lao động đang có nguy cơ cao. Không chỉ Hà Nội mà các địa phương trên cả nước phải kiểm tra các công trình xây dựng, không thể để tình trạng nơi ăn chốn ở của công nhân tối tăm, nước tù đọng, mất vệ sinh…
Chúng ta đã tuyên truyền nhưng phải xử lý rất nghiêm các chủ đầu tư nếu không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tại nơi ở của công nhân. Đây trước hết là vì người lao động, sau là vì sức khoẻ của người dân, cộng đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyên môn kỹ thuật như giám sát điều tra xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Đặc biệt tuyến y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong phát hiện, tư vấn người mắc SXH điều trị kịp thời, đúng cách để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong cũng như bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch.
Phó Thủ tướng lưu ý thêm từ phong trào vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy ở các hộ gia đình, công trường xây dựng, các địa phương cần huy động lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện… dọn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng…
Đình Nam