Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri tỉnh Long An. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 14 với các cử tri, ông Đặng Hoàng Tuấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho biết: Kỳ họp đã hoàn thành Chương trình đề ra, Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được và chưa được, ban hành nhiều quyết sách lớn như thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, thông qua cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM phát triển mạnh mẽ.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 6 dự án luật, thảo luận và cho ý kiến 9 dự thảo luật quan trọng để Quốc hội có cơ sở thông qua tại các kỳ họp sau, thể chế hoá Hiến pháp 2013 như Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; tiến hành giám sát tối cao về cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí. Quốc hội cũng đã thống nhất điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng đã tiến hành phê chuẩn nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình, thủ tục luật định và đạt sự đồng thuận cao đối với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn lãnh đạo một số ngành, Chánh án TANDTC và Thủ tướng về các vấn đề được cử tri và đại biểu quan tâm. Qua chất vấn cho thấy, đa số các vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng, Chánh án TANDTC, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… đều là những vấn đề nóng, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, và nội dung trả lời đáp ứng được mong mỏi của cử tri đối với các vấn đề dân sinh bức xúc.
Phát biểu những vấn đề quan tâm đối với đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An, các cử tri đã tập trung vào kiến nghị Nhà nước có cơ chế và chính sách đối với những người về hưu trước năm 1993 bởi đây là những người còn nhiều thiệt thòi, cử tri cũng đề nghị Nhà nước cần kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng, đề nghị Đảng và Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị có cơ chế và xử lý nghiêm minh đối với “giặc nội xâm” tham nhũng đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân, cần có cơ chế giám sát các đoàn kiểm tra đi địa phương để hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân. Đảng và Nhà nước cần mạnh mẽ tiến hành việc “nhất thể hoá” chức danh cán bộ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước để tinh gọn đội ngũ cán bộ, hạn chế tham nhũng…
Cử tri cũng đề nghị tỉnh Long An quan tâm đến công tác quản lý giao thông trên địa bàn huyện Bến Lức có những đoạn đường quốc lộ bị ngập, xuống cấp rất nhanh, việc quản lý đất đai trên địa bàn còn nhiều bất cập, sai sót về bản đồ, số thửa, diện tích... đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng nêu với đại biểu Quốc hội những bức xúc trong các vấn đề về đất đai trên địa bàn, cần sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết các khiếu nại của nhân dân trong vấn đề này.
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Trao đổi với cử tri về các vấn đề được dư luận quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cảm ơn và tiếp thu các ý kiến của bà con, sự quan tâm theo dõi của cử tri đến hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, quan tâm đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Đồng thời, Phó Thủ tướng ghi nhận ý kiến của cử tri trên địa bàn phản ánh những lo lắng trước vấn nạn tham nhũng, cần có chế tài nghiêm khắc để xử lý tình trạng nhức nhối này; hay sự quan tâm đến vấn đề giữ vững chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển đảo, đấu tranh với các nước có tranh chấp trên biển bằng biện pháp hoà bình, theo luật pháp quốc tế…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng và Nhà nước ta không bao giờ khoan nhượng với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, 1 trong 4 nguy cơ dẫn đến mất chế độ. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài của Đảng. Chúng ta đang từng bước hoàn thiện thể chế để công cuộc phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn như sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng; sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự mang tính răn đe nghiêm khắc hơn với loại tội phạm này. Bên cạnh đó, chúng ta đang từng bước ban hành cơ chế để cán bộ, công chức không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng…
Sắp tới, các cơ quan pháp luật sẽ đưa ra xét xử các vụ án lớn liên quan đến tham nhũng với các đối tượng, bị cáo là lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước trên tinh thần án rõ đến đâu xét xử đến đó, những việc khác tiếp tục điều tra để xét xử trên tinh thần “không có vùng cấm trong công tác phòng chống tham nhũng”, tích cực thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, có giải pháp trong quản lý ngân sách và tài sản minh bạch, công khai để chống tham nhũng.
Qua đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị bà con cử tri tiếp tục tin tưởng vào đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Đồng thời, khuyến khích bà con giám sát, tố cáo đúng các trường hợp tham nhũng, Nhà nước đã có những biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng để người dân cùng đồng hành trong cuộc đấu tranh này.
Với những kiến nghị cụ thể của địa phương mà cử tri nêu lên, ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức đã trả lời cử tri trên địa bàn và cam kết từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo phản ánh của cử tri.
Lê Sơn