In bài viết

Phó Thủ tướng Thường trực dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Sáng 12/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam “Việt Nam số hoá: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

12/11/2020 10:52

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu và toàn thể lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam năm 2020 với chủ đề "Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững".

Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tích cực, chủ động, đổi mới, sáng tạo và gắn kết, cùng tận dụng tốt nhất các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế mang lại, vươn lên phát triển bao trùm và bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, dịch COVID-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động KT-XH toàn cầu. Dịch bệnh đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, thu nhập giảm sâu, các hoạt động xã hội, đặc biệt là y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, văn hóa và đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng. Có thể nói, thế giới đang rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ sau đại khủng hoàng 1929-1933.

Theo đó, kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn làm các nền kinh tế thay đổi trên 2 bình diện. Đó là, phương thức sản xuất (nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất kinh doanh) và cấu trúc kinh tế.

Đại dịch COVID-19 càng cho thấy số hóa hay công cuộc chuyển đổi số là xu thế của thời đại, thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực, bởi “cốt lõi” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... Kinh tế số còn tạo thêm nguồn tài nguyên mới (tài nguyên số, của cải số) cho phát triển, thay đổi cách giao tiếp của con người, tạo cơ hội cho các nước và nước nào tận dụng tốt cơ hội sẽ vượt lên.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã xác định và nỗ lực cao độ để bảo đảm thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, vừa nỗ lực phục hồi, duy trì nhịp độ KT-XH trong trạng thái bình thường mới. Việt Nam là một trong những điểm sáng về phát triển KT-XH trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm, đa số các nền kinh tế rơi vào suy thoái. Bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 2,12%; dự kiến cả năm đạt 2-3%. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020 Việt Nam có thể vươn lên trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong khối ASEAN. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trên 4%, xuất siêu 5 năm liên tiếp, 10 tháng đầu năm 2020 xuất siêu kỷ lục gần 19 tỷ USD. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), năm 2020 Việt Nam xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu sản phẩm thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng..., từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, cải cách hành chính được triển khai mạnh mẽ, cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh không ngừng.

Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết: Nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động cùng với vị trí chiến lược quan trọng, Việt Nam luôn được đánh giá là đất nước có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, có thị trường gần 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng, lực lượng lao động dồi dào; đất nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản lớn trên thế giới như lúa gạo, thủy sản…; là cứ điểm sản xuất nhiều ngành hàng quan trọng của các tập đoàn đa quốc gia; cùng với 13 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, viễn thông, khu công nghiệp… đã và đang được xây dựng, ngày càng hiện đại và kết nối thuận tiện hơn. Cùng với một Chính phủ hành động quyết liệt, luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thu hút luồng vốn FDI từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất trên toàn cầu, thúc đẩy thương mại, chuyển đổi số, hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới, phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp mới...

“Để đưa đất nước vươn lên phát triển bao trùm và bền vững, thực hiện khát vọng phồn vinh và hạnh phúc, Chính phủ Việt Nam cam kết nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hướng phát triển bền vững với việc triển khai các chính sách quan trọng, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kỹ năng nhằm đưa đóng góp của kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025.

Ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống số về cả ba phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ. Chú trọng đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn miền núi hiệu quả, nhằm kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm công bằng, dân chủ, văn minh, hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế xanh và bền vững.

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo lao động giàu kỹ năng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, thông qua Hội nghị ngày hôm nay, quý vị đại biểu sẽ càng hiểu rõ hơn kinh tế Việt Nam và đưa ra được các hướng kinh doanh bền vững, kết nối được với các đối tác tin cậy cho mình”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Lê Sơn