Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri đánh giá cao kết quả của kỳ họp thứ 4, thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, cũng như phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm.
Cử tri Phạm Văn Lâm (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) cho biết, qua theo dõi kỳ họp, ông nhận thấy Quốc hội quyết nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân.
Cử tri trân trọng ghi nhận sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước trong công tác xây dựng luật, nhất là những đạo luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ và đời sống nhân dân, như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Thanh tra…
Nhân dân mong đợi, kỳ vọng lớn vào Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc hiện nay; mong các quyết sách được thông qua tại kỳ họp sớm được triển khai, thực hiện theo đúng kế hoạch, lộ trình và đạt hiệu quả cao, cử tri Phạm Văn Lâm phát biểu.
Cử tri Nguyễn Thái Hạnh (thị trấn Đất Đỏ) đánh giá, thời gian vừa qua Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp để bảo đảm điều tiết nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Tuy nhiên, thị trường xăng dầu trong nước vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, hoặc bán với số lượng hạn chế, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Cử tri Nguyễn Thái Hạnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp quyết liệt, cụ thể để sớm khắc phục tình trạng trên.
Cử tri Huỳnh Thị Kim Hạnh (thị trấn Phước Bửu, huyện Uyên Mộc) nêu thực tế: Luật Giáo dục mới đòi hỏi giáo viên theo chuẩn rất cao, trong khi lương giáo viên rất thấp nên khó tuyển giáo viên dạy tại các trường; nhiều giáo viên nghỉ việc, dẫn đến giáo viên phải tăng giờ dạy, chịu áp lực lớn.
Cử tri Huỳnh Thị Kim Hạnh kiến nghị, việc tuyển dụng giáo viên theo chuẩn mới cần có lộ trình; tăng lương và chế độ cho đội ngũ giáo viên yên tâm cuộc sống để theo nghề; không giảm 10% biên chế giáo viên do tit lệ học sinh đều tăng hàng năm.
Phát biểu với cử tri, Phó Thủ tướng Thường trực cảm ơn, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri, khẳng định sẽ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả phát triển kinh tế-xã hội trong 10 tháng vừa qua rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 đòi hỏi thời gian, tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, tác động đến chuỗi sản xuất của các nước và cung cấp nguyên vật liệu, nhất là xăng dầu.
Tính đến cuối tháng 10, chúng ta đạt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội Quốc hội đưa ra. Đây là thành tích rất lớn so với các năm trước, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của cả xã hội trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, các nước đang phải đối phó với tình trạng lạm phát rất cao, thậm chí 2 con số, trong khi đó Việt Nam giữ được mức lạm pháp khoảng 2,89%, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng, trong đó xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD và xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, là bệ đỡ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
Đối với Luật Đất đai sửa đổi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, dự thảo Luật được thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vừa qua và tiếp tục lấy ý kiến góp ý rộng rãi, thảo luận kỹ lưỡng với mục tiêu đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng đất đai một cách hiệu quả nhất.
Trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, đặc biệt là vấn đề quyền sử dụng đất, định giá đất, có sự tham gia của các đại biểu HĐND từ tất cả các tỉnh, thành phố.
Với dự thảo Luật Khám chữa bệnh, qua quá trình trao đổi, thảo luận, Quốc hội quyết định chưa thông qua dự Luật này tại kỳ họp vừa qua để tiếp tục hoàn thiện, sau khi ban hành đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước.
Về vấn đề xăng dầu, thời gian qua, việc cung ứng xăng dầu gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đơn cử, ở trong nước, hai nhà máy lọc dầu (Nghi Sơn và Dung Quất) cung cấp 80% lượng xăng dầu trong nước, nhưng 50% nguyên liệu là phải nhập từ nước ngoài trong khi các nước cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn cung xăng dầu.
Bên cạnh đó, khối lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2022 tăng 20%, chi phí nhập khẩu tăng 60% so với năm 2021, tạo áp lực tăng giá xăng trong nước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan liên quan để theo thẩm quyền và quy định hiện hành thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và lâu dài.
Về vấn đề biên chế giáo viên, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Bộ Chính trị đã đồng ý, Chính phủ giao chỉ tiêu tiếp tục tuyển dụng trên 65.000 biên chế giáo viên trên cả nước để bảo đảm nguyên tắc ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao 10 phần quà cho nhân viên y tế và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại đền thờ và tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.
Trong không khí trang nghiêm, Phó Thủ tướng Thường trực cùng các thành viên trong đoàn dành một phút mặc niệm thành kính bày tỏ lòng biết vô hạn đối với Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Hải Minh