Cùng dự có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Phó Chủ nhiệm VPCP Cao Huy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ kiêm Công quốc Liechtenstein Phùng Thế Long, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneve Lê Thị Tuyết Mai.
Theo Đại sứ Phùng Thế Long, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ có khoảng 8.000 người sinh sống và làm việc tại 26 bang của Thụy Sĩ.
Trong các cuộc làm việc, chính quyền Liên bang Thụy Sĩ đánh giá cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt với xã hội sở tại, tôn trọng luật pháp và phong tục tập quán của địa phương, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của nơi mình sinh sống.
Cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ tuy không đông nhưng luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, luôn hướng về quê hương đất nước, đồng hành cùng quê hương đất nước trong mọi hoàn cảnh.
Đặc biệt, cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ đã quyên góp được tổng cộng 850 triệu đồng ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của việt Nam.
Cùng với Đại sứ quán Việt Nam và Phái đoàn Việt Nam tại Geneve, cộng đồng người Việt đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, được lãnh đạo cấp cao hai nước ghi nhận nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2021, Đại sứ Phùng Thế Long nhấn mạnh.
Tại cuộc gặp mặt, bà con kiều bào đánh giá cao trong các chuyến công du nước ngoài, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành thời gian gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; bày tỏ tin tưởng vào tương lai của đất nước; khẳng định luôn luôn hướng về quê hương ruột thịt với những hành động thiết thực, hiệu quả; mong muốn là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Sĩ.
Bà con cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách thuận lợi hơn để thu hút nhân tài không chỉ là người Việt Nam mà còn cả những người nước ngoài mong muốn sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Chủ tịch Hội Trí thức chuyên gia tại Thụy Sĩ Lưu Vĩnh Toàn cho biết, Hội có gần 100 thành viên làm việc tại các công ty, tập đoàn trên thế giới. Các thành viên của Hội vừa nỗ lực làm tốt công việc ở nước sở tại, vừa luôn hướng về đất nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực trong phòng, chống dịch COVID-19, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường...
Các chuyên gia là thành viên của Hội cũng đã bắt tay vào việc triển khai một số dự án tại Việt Nam về khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thương mại điện tử; các dự án xây dựng nền tảng đổi mới sáng tạo để hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Chủ tịch Hội Trí thức chuyên gia tại Thụy Sĩ kiến nghị cần có những cơ chế, hành lang pháp lý tạo thuận lợi hơn nữa để kiều bào đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.
Bà Ngọc Dung Moser, Tổng Thư ký Hội Người Việt ở Thụy Sĩ cho biết, được thành lập từ năm 2017, Trường Bình Minh tại Zurich là ngôi trường dạy tiếng Việt đầu tiên tại Thụy Sĩ với mong muốn đóng góp để gìn giữ, phát huy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ người gốc Việt tại Thụy Sĩ; đồng thời là cầu nối, vừa là phương tiện góp phần lan tỏa, truyền bá ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, cũng như thể hiện tình yêu Tổ quốc của những người con xa quê hương.
Ngoài các lớp học cho các em học sinh, Trường Bình Minh cũng tổ chức riêng 1 lớp giao lưu tiếng Việt dành cho phụ huynh các em học sinh khi đưa con đến trường học.
Giáo trình của trường được biên soạn theo dạng song ngữ gồm tiếng Việt-Đức, Việt-Anh, Việt-Pháp, tạo thuận lợi để học sinh dễ nắm bắt nội dung bài giảng.
Tuy nhiên, theo cô Kiều Thanh, giáo viên Trường Bình Minh, số lượng giáo viên đứng lớp còn ít trong khi trình độ của các em khác nhau, nên khó mở lớp học đáp ứng trình độ và nguyện vọng của tất cả các học sinh.
Để thúc đẩy hơn nữa việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt ở nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hiểu hơn về truyền thống văn hóa dân tộc, như thế nào là cơm tất niên, cúng ông Táo, Trung thu ra sao…; tổ chức các chương trình để tạo điều kiện cho con em kiều bào về nước vừa giao lưu với bạn bè cùng trang lứa vừa học tiếng Việt cho hiệu quả.
Phát biểu với bà con kiều bào, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ vui mừng và xúc động khi gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng gửi tới toàn thể bà con lời thăm hỏi ân cần và tình cảm ấm áp từ quê hương.
Phó Thủ tướng ghi nhận, giải đáp trực tiếp các câu hỏi, những băn khoăn của kiều bào và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tiếp tục xử lý, đáp ứng nguyện vọng của bà con; đánh giá cao bà con kiều bào đã nỗ lực vươn lên trở thành cộng đồng có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt với xã hội sở tại, và có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về quê hương, đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ tiếp tục là cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, là cầu nối góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ phát triển toàn diện.
Đề cập đến tình hình phát triển gần đây của đất nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã ký 15 Hiệp định thương mại tự do, mở ra cơ hội to lớn về hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư với hầu hết các nước, trung tâm lớn trên thế giới.
Năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ngoạn mục, đạt mức 8,02%, được các tổ chức và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Quy mô của nền kinh tế đạt trên 400 tỷ USD, xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 732 tỷ USD, trong đó xuất siêu đạt 11,2 tỷ USD. Vai trò, vị thế của đất nước không ngừng được củng cố và tăng cường, thể hiện ở việc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang chuẩn bị những nền tảng vững chắc để phát triển bền vững hơn, nổi bật là xây dựng nền kinh tế lấy tri thức đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển; mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp theo xu thế tất yếu của thế giới.
"Việt Nam cũng cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP16, vừa thể hiện trách nhiệm trong việc chung tay giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay, vừa thể hiện tầm nhìn phát triển của Việt Nam", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tháng 12/2022, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện chủ trương, chính sách của mình về xây dựng nền kinh tế xanh, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và Chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.
Với những định hướng lớn trên, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở Thụy Sĩ đồng hành cùng Chính phủ xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo; thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp nền tảng; làm cầu nối chia sẻ kinh nghiệm của các nước phát triển về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam Anjuska Weil./.
Hải Minh