Theo Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng, số lượng người Việt Nam tại Ai Cập tuy còn ít, có nhiều chị em kết duyên với người Ai Cập, sinh sống rải rác, đời sống còn khó khăn, thậm chí có một số gia đình không có khả năng kết nối Internet nhưng luôn đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau, và luôn hướng về Tổ quốc.
Mỗi năm có khoảng 10 sinh viên Việt Nam sang học tập tiếng Arab tại Ai Cập. Đặc biệt năm 2022, lần đầu tiên có một doanh nghiệp Việt Nam sang Ai Cập đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phụ gia cho ngành nhựa sau 10 năm được sự trợ giúp của các bộ, ngành và cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước.
Trong cộng đồng, có cả những thủy thủ, thuyền viên, có trường hợp thuyền viên sau khi cập cảng đã lên bờ tham gia lao động bất hợp pháp hoặc mắc kẹt lại do có tranh chấp, mâu thuẫn với chủ tàu. Một số trường hợp do nhẹ dạ, cả tin bị lừa sang lao động tại Ai Cập.
Việc tiếp nhận thông tin, giải quyết bảo hộ công dân cho lao động Việt Nam còn gặp khó khăn do lao động chủ động tránh hoặc ít có khả năng thông tin, liên lạc với Đại sứ quán.
Việc đi lại, di chuyển giữa Ai Cập và một số quốc gia trong khu vực gặp nhiều khó khăn do vấn đề thị thực, dẫn đến những khó khăn trong triển khai hỗ trợ lao động Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 trước đây.
Bà con kiều bào chia sẻ trong buổi gặp Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Ảnh: VGP/Hải Minh
Các sinh viên Việt Nam học tiếng Arab tại Ai Cập đề nghị Nhà nước thúc đẩy phía bạn sớm thu xếp chỗ ở tại ký túc xá, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam học tiếng Arab trở lại.
Chị Hoàng Bích Liên, một trong những cô dâu người Việt Nam tại Ai Cập mong muốn con em người Việt Nam sinh ra tại Ai Cập được cấp quốc tịch Việt Nam.
Lãnh đạo doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư sang Ai Cập bày tỏ mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; làm việc với phía Ai Cập để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thẻ cư trú đối với các chuyên gia Việt Nam sang làm việc tại các dự án đầu tư tại Ai Cập.
Phát biểu với bà con kiều bào, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nghi nhận những ý kiến, kiến nghị tại buổi gặp mặt, đồng thời chia sẻ với bà con những khó khăn, vất vả trong cuộc sống tại Ai Cập.
Thông tin về tình hình đất nước, Phó Thủ tướng cho biết dự kiến cuối năm nay, Việt Nam sẽ cấp thị thực điện tử để tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào luôn gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam; luôn đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau; tuân thủ luật pháp sở tại, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Ai Cập cũng như quan hệ hữu nghị Việt Nam-Ai Cập; và cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương đất nước.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập không chỉ hoàn thành tốt trọng trách là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Ai Cập mà càng trong điều kiện bà con còn nhiều khó khăn càng phải phát huy tinh thần phục vụ để Đại sứ quán luôn là chỗ dựa tinh thần, gắn kết hơn nữa cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập./.
Hải Minh