Đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, làm việc với lãnh đạo tỉnh, nghe ý kiến, kiến nghị và tặng quà cho ngư dân tỉnh Kiên Giang.
Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang, tổng số tàu cá đăng ký của tỉnh là 9.515 tàu. Số tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 3.634 tàu, chiếm 98,26% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên; còn lại 64 tàu cá nằm bờ chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Các lực lượng chức năng của tỉnh đã mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên biển và đã tiến hành xử lý các phương tiện vi phạm khai thác IUU, trong đó ngành nông nghiệp, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển đã xử lý 85 vụ/85 tàu với tổng số tiền phạt hơn 2,6 tỷ đồng; các địa phương đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 57/116 tàu cá với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.
Tỉnh Kiên Giang cho biết vì lợi ích kinh tế, một số chủ tàu, thuyền trưởng đã cố tình tắt tín hiệu thiết bị giám sát hành trình; hoặc tháo dỡ, cất giấu; hoặc gửi thiết bị giám sát hành trình sang tàu cá khác để trốn tránh sự giám sát của các lực lượng chức năng và đưa tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, Kiên Giang ghi nhận có 2 vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Các lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân tổ chức đường dây môi giới đưa tàu cá và ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho hay các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm do thiếu hướng dẫn; quản lý chất lượng thiết bị hành trình tàu cá; yêu cầu tàu cá vi phạm vào bờ…
Tỉnh Kiên Giang kiến nghị cần có quy chế phối hợp giữa 8 địa phương ven biển về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, quản lý và sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Tỉnh cũng kiến nghị cần sớm ban hành hướng dẫn áp dụng các điều 347, 348, 349, 350 của Bộ luật Hình sự để khắc phục những bất cập, vướng mắc trong điều tra, xử lý hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Đại diện Hiệp hội Nghề cá TP. Rạch Giá kiến nghị với đội tàu lớn, sản lượng khai thác cao, Nhà nước cần có sự quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi hải sản; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, giãn nợ cho bà con ngư dân.
Đại diện bà con ngư dân cho biết, ngư trường cạn kiệt, khai thác không hiệu quả, giá dầu và lãi suất vay ngân hàng cao, khả năng trả nợ thấp… là những nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm IUU.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh chỉ còn hơn 3 tháng nữa Việt Nam sẽ đón đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 đến thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam.
Việc EC kéo dài thời gian áp dụng thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bà con ngư dân, nhất là những địa phương có đội tàu lớn, sản lượng khai thác cao như Kiên Giang, mà còn ảnh hưởng đến toàn ngành thủy sản Việt Nam.
Nguy hại hơn, nếu EC nâng thẻ vàng thành thẻ đỏ, đồng thời các thị trường nhập khẩu thủy sản chủ chốt của Việt Nam áp dụng biện pháp tương tự như EC, thì thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Kiên Giang đã làm được trong nỗ lực chung tay cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh Kiên Giang đang gặp phải trong xử lý vi phạm IUU cũng như những khó khăn mà ngư dân Kiên Giang đang gặp phải.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang và các ngành chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ thẻ vàng.
Trước đó, sáng ngày 26/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đi kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại tỉnh Cà Mau.
Sau chuyến khảo sát tại Cà Mau và Kiên Giang, Phó Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc họp với các tỉnh Tây Nam Bộ tại TP. Cần Thơ về công chống khai thác IUU, phòng chống buôn lậu, hàng giả và ma túy vào chiều 28/6 tới./.
Hải Minh