Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của bạn Ngô Hoàng Lân, sinh viên năm thứ tư Khoa Hóa học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Ngày 23/10, sau lễ khai giảng năm học mới 2020-2021, các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có buổi giao lưu nhiều cảm xúc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội…
Những câu hỏi, tâm tư của các giảng viên, sinh viên về xu hướng đổi mới giáo dục, chính sách đối với nhà giáo, các chính sách đối với sinh viên sư phạm, xét tuyển đại học, đổi mới các phong trào, hoạt động của sinh viên… đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lắng nghe, giải đáp.
Đổi mới giáo dục không chỉ tính bằng năm, bằng nhiệm kỳ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết từ năm 1950 đến nay chúng ta đã qua 4 lần đổi mới giáo dục vào các năm 1950, 1956, 1980 và lần thứ tư bắt đầu bằng Nghị quyết 29/NQ-TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ba lần đổi mới trước chúng ta vận dụng sáng tạo, có tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước xã hội chủ nghĩa, lần đổi mới thứ tư là theo xu thế chung của thế giới.
Khi thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, Bộ GD&ĐT chọn đổi mới thi cử làm khâu đột phá, gắn với đổi mới tất cả khâu về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, quản lý giáo dục… từ giáo dục phổ thông, đến đại học và sau đại học.
Công tác dạy người, dạy đạo đức trong trường học được đặc biệt chú trọng từ những việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn như chào cờ, trực nhật, vệ sinh trường lớp, khai giảng…
Phương pháp dạy học chuyển từ truyền đạt một chiều sang khơi dậy sự sáng tạo, suy nghĩ độc lập của từng cá nhân dù khác biệt và có sự phản biện, trao đi đổi lại cầu thị; rèn luyện khả năng thích ứng, khai mở trí tuệ. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức nhưng cũng là công dân toàn cầu.
Nhiều bạn sinh viên chia sẻ suy nghĩ về nghề giáo, về trách nhiệm tuổi trẻ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông tin thêm so với những lần đổi mới giáo dục trước đây, lần này tất cả các khâu, quy trình để đảm bảo chất lượng giáo dục được xây dựng hướng tới sự chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Mặc dù thời gian đầu khó tránh khỏi những khó khăn từ nhận thức, quan điểm, điều kiện thực hiện, nhưng kết quả ban đầu là tích cực, hướng đi đã dần sáng rõ. Công cuộc đổi mới giáo dục cần được tiếp tục thực hiện không chỉ tính bằng năm, bằng nhiệm kỳ.
Trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên về đổi mới thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết qua 6 năm thực hiện lộ trình đổi mới thi cử, đến nay kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cơ bản ổn định, đảm bảo trung thực, công bằng, khách quan, không gây áp lực, tốn kém cho xã hội, là một trong những căn cứ để các trường đại học xét tuyển. Năm 2021, kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2020 và những năm tiếp theo Bộ GD&ĐT sẽ tập trung xây dựng ngân hàng đề thi, ứng dụng công nghệ vào quy trình thi.
“Mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên diện rộng, từ đó xem xét, điều chỉnh về chương trình, phương pháp dạy và học, có sự đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng trũng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Công tác xét tuyển của các trường ĐH có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, mở rộng nguồn tuyển với nhiều phương thức khác nhau, không chỉ phụ thuộc vào học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT mà cả những sinh viên có năng khiếu về thể thao, nghệ thuật, hoạt động xã hội.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục là đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Chúng ta cần rà soát lại tất cả các chính sách, chế độ, trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề đãi ngộ, tôn vinh cả về vật chất, lẫn tinh thần để tạo động lực cho các nhà giáo, nhất là cán bộ, giáo viên trẻ và cả những sinh viên sư phạm. Bên cạnh đó, đây cũng là năm học đầu tiên thực hiện chính sách học bổng cho sinh viên sư phạm với mức 3,6 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Dạy người từ những việc nhỏ nhưng ý nghĩa lớn
Chia sẻ tâm tư của một thầy giáo già về công tác dạy người trong trường học, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế Đảng, Nhà nước đó ban hành rất nhiều văn bản về giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, sinh viên nhưng quá trình thực hiện chưa chú ý đúng mức đến những truyền thống rất tốt đẹp từ ngày xưa.
Phó Thủ tướng cho biết ông đã đi thăm nhiều trường tiểu học, trong lớp đều dán “Năm điều Bác Hồ dạy” nhưng khi hỏi các giáo viên, lãnh đạo nhà trường đã có bài giảng mẫu về “Năm điều Bác Hồ dạy” chưa thì tất cả đều lúng túng.
“Với lớp 1 thì “tổ quốc”, “đồng bào” phải khác với lớp 12, hay sau khi Nghị quyết 29/NQ-TW khóa XI ban hành ở không ít trường chào cờ thì bật nhạc, còn học sinh không hát Quốc ca, học sinh không trực nhật, vệ sinh trường lớp mà phụ huynh thuê người làm…”, Phó Thủ tướng nêu thực tế và cho rằng “trong giáo dục đạo đức học sinh thì nhà trường là quan trọng, quyết định nhưng không thể một mình. Nếu ngoài xã hội người lớn không chú ý đến đạo đức, không trung thực thì sao có thể làm gương cho con trẻ noi theo. Khi giá trị đạo đức, văn hóa trong toàn xã hội được coi trọng thì giáo dục đạo đức trong nhà trường sẽ thuận lợi hơn”.
Nhấn mạnh giáo dục đạo đức trong nhà trường là vô cùng quan trọng và bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhưng thực chất, Phó Thủ tướng trăn trở khi đến nhiều trường học xây rất đẹp, rất to nhưng sân trường để cỏ mọc đầy, mạng nhện chăng đầy trong lớp, hay lễ khai giảng ở nhiều trường học còn hình thức, chưa thực sự vì học sinh…
Nói về phong trào, hoạt động sinh viên, Phó Thủ tướng cho biết ở các nước, các trường đại học còn xét tuyển cả những sinh viên có thành tích thể thao hoặc hoạt động xã hội nổi bật. Ở Việt Nam các trường đại học mới bắt đầu xét tuyển theo hướng này. Điều đó cho thấy các hoạt động xã hội ngày càng quan trọng, và đặc biệt đúng với các thầy cô giáo tương lai. Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh việc tham gia những phong trào có sức lan tỏa lớn như sinh viên tình nguyện, thanh niên tình nguyện, các bạn sinh viên cũng có thể bắt đầu ngay từ những việc làm rất bình dị như giữ cho giảng đường, cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dù còn cũ kỹ nhưng luôn xanh, luôn sạch sẽ, xây dựng môi trường học thuật mô phạm, văn hóa, nhân văn… “Các bạn sẽ học được rất nhiều điều từ đó”.
“Hãy từ những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng ý nghĩa lớn thay vì nếu chỉ nghĩ đến việc lớn, không cẩn thận sẽ dẫn đến hình thức, không hiệu quả”, Phó Thủ tướng chia sẻ với các bạn sinh viên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong các bạn sinh viên luôn nỗ lực học tập và rèn luyện, nuôi dưỡng đam mê đối với những gì đã lựa chọn. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nỗ lực hết mình sẽ được đền đáp xứng đáng
Trước mong muốn được thực hành nhiều hơn trên những trang thiết bị hiện đại của bạn Ngô Hoàng Lân, sinh viên năm thứ tư Khoa Hóa học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại tấm gương của những nhà khoa học nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Thủy Nguyên… đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để nghiên cứu, cống hiến cho đất nước.
“Đương nhiên chúng ta phải đầu tư nhưng cũng phải rất sáng tạo, tiền ít mà vẫn làm được mới là thật giỏi. Nhà tranh nhưng vẫn sạch, vẫn dạy được kiến thức hiện đại, kiến thức thế giới còn hơn nhà xây mà để bẩn, vẫn dạy những thứ cũ kỹ. Bây giờ rất nhiều thí nghiệm có thể mô phỏng bằng công nghệ, nhất là những thí nghiệm ở trình độ giáo dục phổ thông. Dù thế nào các bạn cũng hãy cứ nỗ lực, học tập và rèn luyện, chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Bạn Nguyễn Trang, sinh viên năm thứ hai ngành sư phạm công nghệ định hướng giáo dục STEM, băn khoăn về thực tế “môn chính, môn phụ” trong các trường phổ thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện Đức-Trí-Thể-Mỹ nhưng chúng ta mới tập trung cho “Trí”, đã có chú ý đến “Đức” còn “Thể” là các hoạt động thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe , “Mỹ” là trang bị những hiểu biết về nghệ thuật, về cái đẹp thì chưa được chú ý.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh không có môn học nào không quan trọng. Để thay đổi quan niệm “môn chính, môn phụ” cần bắt đầu từ môi trường giáo dục, học đường, cách đánh giá, trọng dụng con người ra đến toàn xã hội, cả hệ thống. Ngay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có thể góp sức bằng cách mở ra những chuyên ngành đào tạo tích hợp, đan xen.
Về câu hỏi của thầy giáo Dương Minh Lam liên quan đến định hướng phát triển hệ thống các trường sư phạm, Phó Thủ tướng trao đổi thêm, thời gian tới do việc đào tạo mới sinh viên sư phạm sẽ tập trung ở các trường sư phạm có chất lượng cao, theo đúng nhu cầu thực tế còn các trường sư phạm địa phương sẽ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT có sự hỗ trợ của của các trường như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1.
Trong buổi giao lưu nhiều bạn sinh viên cũng đã chia sẻ suy nghĩ về nghề giáo, về trách nhiệm của tuổi trẻ, về ngành học, môn học, công việc tương lai hay đơn giản chỉ là sự bày tỏ mong muốn sau khi tốt nghiệp có được cơ hội để cống hiến, xây dựng quê hương đất nước…
Đặt câu hỏi bao nhiêu bạn sinh viên đã tham gia hoạt động xã hội, rèn luyện sức khỏe thường xuyên, Phó Thủ tướng mong muốn các bạn trẻ cần tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động xã hội, “ không nhất thiết là người giỏi nhất nhưng là người nhiệt huyết nhất”, phải tạo được thói quen tập thể dục để rèn sức khỏe, rèn ý chí.
“Nghề giáo là nghề cao quý nhất nhưng các nghề khác cũng rất cao quý. Đòi hỏi của xã hội đối với ngành sư phạm, đối với thầy cô giáo rất cao, trong khi các thầy cô cũng phải lo toan cuộc sống thường nhật, hệ thống giáo dục cần được đầu tư nhưng không tách khỏi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, điều quan trọng nhất đối với mỗi sinh viên sư phạm là phải nuôi dưỡng đam mê và hướng đến”, Phó Thủ tướng nói.
Đình Nam