Quy chế áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện Công ước.
Nguyên tắc phối hợp đầu tiên là ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
Bên cạnh đó, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện Công ước; tránh chồng chéo hoặc thực hiện không đầy đủ các nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quá trình phối hợp.
Các cơ quan, tổ chức sẽ phối hợp tuyên truyền, phổ biến về Công ước; rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm thực hiện Công ước; tương trợ tư pháp trong khuôn khổ Công ước; trao đổi thông tin liên quan đến Công ước; hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Công ước; tham gia cơ chế đánh giá việc thực hiện Công ước; tổ chức và tham gia các hội nghị về Công ước; thực hiện các thủ tục đối ngoại liên quan đến Công ước.
Trong đó, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với Công ước về các nội dung phòng ngừa, hình sự hóa và thực thi pháp luật, hợp tác quốc tế, thu hồi tài sản, hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin liên quan đến Công ước.
Thanh tra Chính phủ là đầu mối quốc gia có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin chung về thực hiện Công ước của Việt Nam theo yêu cầu của Công ước; tiếp nhận, thực hiện hoặc chuyển tới các cơ quan, tổ chức của Việt Nam những thông tin, đề nghị hợp tác liên quan đến Công ước từ phía quốc tế.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động thực thi Quy chế của các Bộ, ngành, địa phương; đề xuất thực hiện các nhiệm vụ phát sinh khác nhằm thực thi Công ước; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Công ước trên phạm vi cả nước.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phân công đơn vị thường trực và cán bộ theo dõi, điều phối việc thực hiện Công ước trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương mình.
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 31/10/2003. Công ước là một điều ước quốc tế đa phương do các quốc gia và tổ chức quốc tế thỏa thuận xây dựng với mục tiêu là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong phòng, chống tham nhũng. Công ước quy định về các biện pháp phòng, chống tham nhũng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (tại Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN). Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 18/9/2009. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng như: tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng; ban hành Luật Phòng chống tham nhũng; xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020… |
Hoàng Diên