Đã chủ động ban hành Kế hoạch triển khai Luật Thủ đô sửa đổi
Báo cáo tại đầu cầu Hà Nội ở Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 30/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đã chủ động ban hành Kế hoạch 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thi hành Luật.
Cụ thể, Hà Nội đã chủ động xây dựng Kế hoạch riêng về công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, tài liệu tập huấn để triển khai đến các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, nhân dân của Thủ đô.
Trước mắt, Thành phố xây dựng và ban hành văn bản triển khai 39 nội dung thuộc thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 1/1/2025.
Theo Báo cáo của UBND TP. Hà Nội, Luật Thủ đô sửa đổi có rất nhiều điểm mới được bổ sung, mở rộng, mang đến cơ hội cho Hà Nội phát triển bền vững và mạnh mẽ, trong đó, nổi bật là quy hoạch, xây dựng.
Luật cho phép Thành phố được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên địa bàn Thành phố do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép phát triển một số loại công trình ở bãi sông, bãi nổi, phân quyền phê duyệt đầu tư các dự án ở bãi sông, bãi nổi cho UBND Thành phố.
Về khoa học công nghệ, Luật quy định bổ sung mới các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ về thu nhập, các nguồn lực, trang thiết bị; khi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm thì được chủ động áp dụng các cơ chế về tuyển chọn, giao nhiệm vụ, cơ chế khoán sản phẩm.
Trong thực hiện chính sách xã hội, Thành phố được chủ động trong việc quy định về đối tượng, mức chi để thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội cao hơn hoặc ngoài các quy định của Trung ương.
Đối với nông nghiệp, nông thôn, Thành phố được ban hành các quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, hiệu quả kinh tế cao; được quy định về tỉ lệ đất nông nghiệp tại vùng nông nghiệp tập trung để phát triển các công trình phụ trợ, phục vụ sản xuất nông nghiệp; được sử dụng đất tại bãi sông bãi nổi để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm.
Về thu ngân sách, Luật cho phép Thành phố được hưởng các khoản thưởng vượt thu so với dự toán được giao; được ban hành các loại phí, lệ phí mới hoặc tăng, giảm phí, lệ phí; được tăng hạn mức vay lên không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp; được giữ lại toàn bộ tiền thu từ đất do Thành phố quản lý, tiền thu từ tín chỉ carbon trên địa bàn Thành phố.
Về chi ngân sách, Thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển; chi từ quỹ dự trữ tài chính với thời gian dài hơn, tỉ lệ cao hơn….
Đặc biệt, Luật cho phép được sử dụng nguồn chi thường xuyên để cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình, trụ sở tài sản công. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi mua sắm tài sản, sửa chữa theo quy trình chi thường xuyên.
Về đầu tư công, Thành phố được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp dự án do ngân sách địa phương bố trí, mà không bị giới hạn về mức vốn. Được phép tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (đối với dự án nhóm B,C) nhằm giúp cho quá trình đầu tư công được thuận lợi, đơn giản hoá, đẩy nhanh quy trình thực hiện.
Để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, thực sự tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, tạo động lực quan trọng cho xây dựng và phát triển Thủ đô, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, lãnh đạo thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó phân công cụ thể, xác định rõ trách nhiệm triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô, trong đó có những nhiệm vụ mới, khó như việc quản lý, sử dụng không gian ngầm, hợp đồng BT.
Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quan tâm phối hợp trong việc thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức tuyên truyền, quán triệt Luật Thủ đô; tham gia, hỗ trợ, giúp đỡ Thành phố trong việc xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của Thành phố để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ.
Đồng thời Thành phố cũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thành phố trong việc hoàn thiện và triển khai thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và của Thành phố; phối hợp trong việc xây dựng các tài liệu, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, tập huấn về Luật Thủ đô; phối hợp trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, văn bản quy định theo thẩm quyền được giao cho Chính phủ và Thành phố tại Luật Thủ đô; phối hợp trong việc tổ chức theo dõi thi hành Luật Thủ đô ở địa phương và ở Trung ương.
Giang Oanh