Phát biểu mở đầu phiên chất vấn sáng 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, đạt kết quả tích cực, góp vào thành tựu chung của đất nước.
Thông qua công tác thanh tra đã phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách pháp luật còn sơ hở, bất cập dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, kiến nghị nhiều vi phạm, sai phạm.
Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra phát hiện, kiến nghị nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong đó, có những vụ việc rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng mang tính đột phá trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
9 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.586 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra.
Kết quả các cơ quan chức năng đã thu hồi 1.089 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 60,3%), 10,2 ha đất; xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân.
Chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; khởi tố 5 vụ, 3 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 370 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỉ lệ 72,4%).
Để nâng cao tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra cho rằng, cần hoàn thiện các quy định về xử lý sau thanh tra, tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm; bổ sung lực lượng cán bộ, công chức đủ mạnh để làm công tác này.
Đi kèm với đó là tăng cường trách nhiệm để các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng thanh tra để thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra.
Giải pháp nữa là tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự. Theo đó, cần tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam...
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân về việc chỉ đạo thanh tra đột xuất, phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ công tác này thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện đúng quy định của luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc thanh tra đột xuất có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Về chậm ban hành kết luận thanh tra và giải pháp khắc phục như chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra do nhiều nguyên nhân, chủ quan, khách quan. Trong đó, cuộc thanh tra có vi phạm quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng có tính chất phức tạp. Một số quy định pháp luật còn bất cập, đặc biệt là về vấn đề quy định, thời gian báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra. Khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra, nhất là Thanh tra Chính phủ rất mỏng và ý thức trách nhiệm của một số thành viên, kỹ năng, năng lực còn hạn chế hay chưa hết trách nhiệm.
Về xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán được nhiều đại biểu đề cập, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, các cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán đã phối hợp với nhau ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện. Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện chồng chéo thì giữa 2 cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng là quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.
Lê Sơn