Kiểm soát chặt vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm đến cơ sở giết mổ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT từ tháng 2/2019 đến nay, nhờ sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất có thể.
Hiện nay, cả nước có trên 99% số xã có bệnh DTLCP đã qua 30 ngày và các địa phương đã có văn bản công bố, thông báo hết bệnh DTLCP. Đây là điều kiện quan trọng để người chăn nuôi tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố, trong thời gian qua bệnh DTLCP tiếp tục xảy ra tại một số địa phương; trong đó có hiện tượng bệnh DTLCP tái phát một hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố (như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam,….), nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện nuôi tái đàn lợn, tăng đàn lợn ngày càng gia tăng, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Để khẩn trương kiểm soát tốt các ổ dịch đang xảy ra, đồng thời chủ động phòng, chống bệnh tái phát và lây lan diện rộng, Bộ NN&PTNT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đao ̣ các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; trong đó chú trọng các nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP đối với lợn, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; các biện pháp phòng dịch như vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, nhằm hạn chế tới mức tối đa nguy cơ bệnh DTLCP tái phát; tổng kết, phổ biến, nhân rộng các mô hình và hướng dẫn chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Thứ hai, chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh DTLCP; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn/bản/ấp đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Các địa phương cần thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Sở NN&PTNT, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; cử ngay các tổ công tác kỹ thuật trực tiếp đến các địa phương có bệnh DLTCP nhưng chưa qua 30 ngày để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dây dưa kéo dài.
Đối với các địa phương đã qua 30 ngày và không có lợn mắc bệnh DTLCP cần thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định hoặc có văn bản thông báo cho các cơ quan liên quan, cơ quan truyền thông để đưa tin về việc hết bệnh DTLCP trên địa bàn để người chăn nuôi nắm tình hình và tổ chức tái đàn, tăng đàn. Đồng thời, rà soát và báo cáo tình hình công bố dịch, công bố hết dịch DTLCP tại địa phương và có văn bản tổng hợp gửi về Bộ NN&PTNT.
Cùng với đó, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.
Khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, nhất là tại cơ sở để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả.
Đỗ Hương