In bài viết

Phòng bệnh gia súc, gia cầm: Chú trọng "phủ vaccine" và chống buôn lậu

(Chinhphu.vn) - Ngày 03/11, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

03/11/2023 17:38
Phòng bệnh gia súc, gia cầm: Chú trọng "phủ vaccine" và chống buôn lậu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vẫn còn nguy cơ phát dịch ở nhiều địa phương

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) thống kê, trong 10 tháng năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đang được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch giảm 60% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 68%; bệnh cúm gia cầm có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%; bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch giảm 60%; số trâu, bò mắc bệnh giảm 80%; số chết, tiêu hủy giảm 79%.

Nhưng những tháng cuối năm, thời tiết giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ cuối năm tăng cao dễ làm lây lan nguồn bệnh nếu không được kiểm soát tốt.  Đặc biệt, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao vì virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, mặc dù dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu và thi thoảng vẫn xảy ra ở địa phương. Một trong những nguyên nhân là địa phương, người dân còn chủ quan trong tiêm phòng vaccine tập trung.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chương trình kế hoạch về 6 dịch bệnh trọng điểm của ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các địa phương cần bám sát vào chương trình, rà soát lại các đàn vật nuôi để có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tiêm phòng cho vật nuôi kịp thời, tiêm bổ sung với vật nuôi sắp hết hiệu lực.

"Hiện tất cả các loại vaccine được phép lưu hành tại Việt Nam đều có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và có sự giám sát chặt chẽ. Hàng năm, Cục Thú y và các phòng thí nghiệm quốc tế đều đánh giá tình hình lưu hành mầm bệnh và đánh giá vaccine xem có đủ hiệu lực, hiệu quả", ông Nguyễn Văn Long cho biết.

Cục Thú y cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương (cấp huyện, cấp xã), các doanh nghiệp và người chăn nuôi. Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các cơ quan truyên môn của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đặc biệt là khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại.

Mạnh tay với hành động buôn lậu gia súc, gia cầm

Nói về tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, văn bản quy phạm pháp luật đã đầy đủ. Điều quan trọng hiện nay là thực hiện đúng Công điện số 426/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

"Không chỉ ở khu vực biên giới, cả trong nội địa, các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp để cùng ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Cục Thú y, thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm trong nước đang tăng đàn để chuẩn bị cung ứng sản phẩm gia cầm vào dịp cuối năm. Do vậy, nhu cầu về con giống tăng cao. Nắm bắt được thực tế đó, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách nhập lậu gia cầm giống để tiêu thụ, khiến tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam càng trở nên phổ biến.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, việc nhập lậu con giống gia cầm không phải do trong nước thiếu nguồn cung, chất lượng con giống thấp hay giá cao mà do các nước dư thừa nguồn cung. Số lượng, chất lượng con giống gia súc, gia cầm Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được với các nước. Ông Vũ Anh Tuấn hy vọng, với sự chỉ đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và sự vào cuộc tích cực của các tỉnh có đường biên tích cực hơn nữa trong kiểm soát chặt chẽ sản phẩm chăn nuôi nhập lậu sẽ tạo niềm tin cho người chăn nuôi, giúp người chăn nuôi hiệu quả, góp phần đưa ngành chăn nuôi trong nước phát triển bền vững.

Theo báo cáo, một số địa phương trọng điểm đã phát hiện số lượng lớn vụ buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật lậu như: tỉnh Lạng Sơn phát hiện 31 vụ, Quảng Ninh có 41 vụ, Cao Bằng có 59 vụ, Long An có 5 vụ…

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200 nghìn – 250 nghìn tấn/năm. Mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia. Điều này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như: bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.

Cục Thú y đề nghị các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố cần quan tâm hơn nữa, chỉ đạo triển khai, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo quy định của pháp luật, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Đỗ Hương