Chủ động làm hàng rào ngăn lửa rừng
Chia sẻ về cách ngăn "giặc lửa", thư của bạn đọc Hoàng Tấn Vinh, học sinh lớp 12A2, khối THPT chuyên Toán – Tin, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội viết:
“Chúng ta thường chặt cây làm hàng rào ngăn lửa sau khi có cháy xảy ra, công việc này nên làm trước và làm một cách bài bản, có chủ ý. Bởi làm hàng rào sau khi cháy rừng xảy ra thường bị động và không hiệu quả. Những hàng rào này thường lẻ tẻ, không liên kết, không đủ độ dài và phụ thuộc vào nơi xảy ra cháy. Hơn nữa, sau khi đám cháy chấm dứt, những hàng rào này thường bị bỏ quên, không được sử dụng nữa, gây lãng phí.
Việc làm hàng rào ngăn lửa là biện pháp phù hợp và hiệu quả nhất đối với điều kiện nước ta hiện nay. Nếu ta biết cách làm, thì sẽ tối đa hóa được hiệu quả của phương pháp này. Theo tôi, chúng ta nên chủ động làm một hệ thống hàng rào trên toàn bộ diện tích rừng, tập trung vào những vùng có nguy cơ cháy cao và dựa trên những yếu tố: Địa hình; điều kiện thời tiết; vị trí xa gần nguồn nước, khu dân cư; mật độ rừng, loại rừng.
Hệ thống hàng rào này cần được thiết kế một cách thuận tiện và thông minh, tận dụng được các hàng rào như "những con đường để dẫn nước vào rừng sâu".
Hơn nữa, nên xây các trạm nước (điểm cung cấp) tại các vị trí trọng yếu, rải rác trên toàn bộ diện tích rừng. Đặc biệt quan trọng, là việc gìn giữ và duy trì hệ thống này sau khi làm xong.
Có như vậy, sẽ chủ động trong việc chữa cháy rừng, nhanh chóng và hiệu quả; sử dụng được lâu dài, tiết kiệm được công sức; giúp phân cắt hệ thống rừng thành nhiều khu vực tách biệt, không cho cháy rừng lan rộng; tiên lợi cho việc bảo quản và chăm sóc rừng.
Bức thư của bạn Hoàng Tấn Vinh kết bằng lời gửi gắm đến Thủ tướng Chính phủ: "Kính thưa Thủ tướng, theo cháu vẫn còn nhiều biện pháp hiệu quả để ngăn chặn cháy rừng đang được sử dùng ở các nước phát triển, hy vọng rằng Việt Nam sẽ sớm có đủ điều kiện để áp dụng được những biện pháp, như: Tạo mưa nhân tạo, hay dùng trực thăng để dập cháy rừng…".
![]() |
Giữ rừng cũng là dân, dẹp "giặc lửa" càng cần đến dân
Một nhân viên của Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn cho biết: Ý thức phòng chống cháy rừng của một bộ phận người dân sống khu vực gần rừng còn rất kém, họ chưa hiểu hết tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của họ. Nhiều người đi vào rừng mồi lửa đốt ong, đốt rẫy một cách rất bình thường rồi không chú ý dập tắt lửa, đến khi lửa phát thành đám cháy lớn không thể chữa cháy kịp. Do vậy, hàng năm đến mùa hanh khô thường rất nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng. Vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong việc bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tại những khu vực dân cư trong các vùng đệm là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Đây cũng là suy nghĩ của bạn Nguyễn Văn Vượng (pcyong49@yahoo.com, Sơn La). Bạn Vượng còn cho rằng, tình trạng đốt rẫy làm nương không chỉ là nguyên nhân chính dẫn tới cháy rừng mà còn khiến công tác phòng chống cháy rừng gặp nhiều khó khăn trong việc quan sát, vì dễ nhầm lẫn giữa cháy rừng và đốt rẫy.
Bạn đọc Hồ Thế Nghĩa (saotruc011003@yahoo.com, Lào Cai) có suy nghĩ: Công tác phòng chống cháy rừng ở một số địa phương cũng còn nhiều bất cập. Trong đó, đáng chú ý là một số lâm trường, chủ rừng chưa xem trọng công tác này. Nhiều diện tích rừng khi thiết kế trồng rừng đã không xây dựng hệ thống phòng chữa cháy như đường băng cản lửa, hồ dự trữ nước, chòi canh lửa…
“Việc huy động người dân địa phương tham gia chữa cháy rất hiệu quả bởi họ có kinh nghiệm, thông thạo đường đi, dập lửa hiệu quả dù chỉ bằng những công cụ thô sơ. Khi tham gia chữa cháy, cần huy động nhiều thành phần nên rất cần sự thống nhất trong chỉ đạo và chỉ huy các lực lượng”. Ý kiến này của ông Thái Văn Thường ở Lạng Sơn.
Bày tỏ sự lo lắng của mình, bạn đọc Nguyễn Trường Sơn (nguyentruongsonhagemco@fpt.vn) nêu ra biện pháp: Do thời tiết hanh khô và nhiều gió, nên có nguy cơ cháy rừng tại nhiều khu vực. Do vậy, khu vực nào dễ xảy ra cháy rừng cần được quan tâm nhiều hơn. Chúng ra phải chủ động nguồn nước và giữ được độ ẩm cho khu rừng. Khu vực nào không đảm bảo được hai điều này cần cấm nghiêm ngặt người ra vào.
Bạn đọc kính mến, những ngày qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cấp bách, quyết liệt để phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Để công tác phòng chống cháy rừng hiệu quả, thiết thực, rất cần có sự tham gia của cả cộng đồng, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành chức năng và nhân dân. Sự hưởng ứng và tích cực tham gia của người dân, nhất là người dân sống gần rừng, sẽ là phương pháp hiệu quả nhất trong công tác này.
Trong tuần qua, trong số các thư gửi đến các cơ quan chức năng giải đáp, có thư của các ông (bà) sau: Ông Nguyễn Văn Thịnh (thinhnvan@yahoo.com.vn) đề nghị được mua nhà theo Nghị định 61/CP; ông Nguyễn Thế Đức (anhduc7979@yahoo.com) thắc mắc về quy định chỉ giới xây dựng; ông Phạm Việt Tân (tanpmh07@gmail.com) gặp một số trục trặc về pháp lý khi làm thủ tục xin phép xây nhà ở; ông Đỗ Minh Phụng (ngochue21_04@yahoo.com.vn) đề nghị được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết khi bị cưỡng chế nhà, đất; bà Trần Thị Huệ (hoahongbach19912003@yahoo.com) gửi đơn khiếu nại về việc đền bù khi bị thu hồi đất; Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên kinh doanh LPG phía Nam đề nghị được xem xét, điều chỉnh Nghị định 107/2009/NĐ-CP… Ngay khi các cơ quan chức năng có văn bản trả lời phản ánh, kiến nghị của các bạn, chúng tôi sẽ thông tin chi tiết trên Cổng TTĐT Chính phủ.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với Cổng TTĐT Chính phủ, hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc của người dân gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ.
Ban Bạn đọc