In bài viết

Phòng chống cúm A/H5N1: Không chủ quan, lơ là

(Chinhphu.vn) - Theo dự báo của Bộ Y tế, virus cúm A/H5N1 đang có tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền, đặc biệt bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người với tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên, cúm A/H5N1 vẫn đang được giám sát chặt chẽ về sự biến đổi của virus, bệnh nhân và các ổ dịch trên gia cầm.

19/06/2014 11:08

Khu điều trị cách ly tại BV Nhiệt đới TƯ. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Nhiều "khoảng trống" về năng lực chống dịch

Trong Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phòng chống cúm A/H5N1 do Bộ Y tế phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, nguy cơ lây truyền virus cúm A/H5N1 đang có nhiều tiềm ẩn, nhất là vào mùa Đông sắp tới.

Giải thích nhận định trên, ông Phu cho rằng, khi đi kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, Cục vẫn ghi nhận các ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm.

Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chủ quan trong phòng chống dịch, thậm chí, có địa phương chỉ thông báo dịch cúm gia cầm sau khi phát hiện ca bệnh ở người; ý thức phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh trong giết mổ gia cầm còn hạn chế; việc mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, gia cầm bệnh vẫn xảy ra…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ năm 2003 đến nay đã ghi nhận 665 trường hợp mắc bệnh tại 15 quốc gia, trong đó có 392 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 59%. Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nguy cơ cao từ bệnh cúm A/H5N1.

Cũng lo ngại về nguy cơ có thể xảy ra dịch cúm A/H5N1, bà Olanas, Cố vấn kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB), cho hay hiện đang có nhiều “khoảng trống” về năng lực của nhiều nước, nhất là kiến thức, hiểu biết giữa thú y và y tế. Đây là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh xuất hiện và có thể bùng phát.  Vì vậy, có thái độ, hành vi ứng phó dịch cúm gia cầm là vô cùng quan trọng.

"Nếu không có hiểu biết về cách phòng chống virus cúm lây sang người, không có cơ quan giám sát việc lưu hành dịch bệnh trên gia cầm thì dịch cúm gia cầm có thể coi là cuộc đại chiến toàn cầu và sẽ trở thành gánh nặng của mỗi quốc gia", bà Olanas nhấn mạnh.

Chung tay phòng chống dịch

Thống kê từ Cục Y tế dự phòng, bệnh cúm A/H5N1 xâm nhập vào Việt Nam từ năm 2003, tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp vào năm 2005, với 61 trường hợp mắc. Đến nay, số mắc đã giảm, khoảng 4-5 trường hợp/năm nhưng nguy cơ tử vong rất cao.

Hiện, cúm A/H5N1 vẫn đang được giám sát chặt chẽ về sự biến đổi của virus, bệnh nhân và các ổ dịch trên gia cầm, ông Trần Đắc Phu cho biết.

Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, với kinh nghiệm từ việc phòng chống dịch SARS năm 2003, nước ta đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quốc gia với sự tham gia của hơn 14 bộ, ngành liên quan, huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước; xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn của cả ngành Y tế và Nông nghiệp, hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và xử lý ổ dịch.

Trong đó, Dự án Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm người và đại dịch cúm ở Việt Nam (dự án VAHIP) được hai Bộ NNPTNT và Y tế ký kết thực hiện từ năm 2007-2014 đã thiết lập được hệ thống giám sát các bệnh nguy hiểm, trong đó có cúm A/H5N1 tại 11/11 huyện, thành phố trong Dự án; nâng cao kỹ năng chẩn đoán và điều trị cúm A ở người tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; củng cố hệ thống y tế dự phòng địa phương; tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi phòng chống cúm A/H5N1 và nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, góp phần đảm bảo có thể ứng phó kịp thời khi xảy ra bùng phát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, theo PGS.TS Cao Bảo Vân (Viện Pasteur TPHCM), hiện Viện đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất vaccine cúm A/H5N1 bằng nuôi cấy trên tế bào Vero. Vaccine này sẽ được đưa ra thị trường trong thời gian tới.

                                                                                                                                         Thúy Hà