Quảng Ninh chỉ còn 20 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. |
Quảng Ninh 11 ngày không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng
Tính đến cuối ngày 19/2, trong tổng số 43 bệnh nhân mắc COVID-19 đang cách ly điều trị tại tỉnh Quảng Ninh, chỉ còn 20 bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính một lần là 5 bệnh nhân; số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần liên tiếp là 16 bệnh nhân; số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính ba lần liên tiếp là 2 bệnh nhân.
Kể từ ca mắc COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng ngày 27/1, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 60 ca mắc, trong đó 2 ca đã được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh – Hà Nội. Còn lại 58 ca được điều trị tại Quảng Ninh.
Từ ngày 14 đến 18/2, đã có 15 ca được điều trị khỏi bệnh. Trong đó, 12/15 người đã xuất viện trở về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày. Ba người vẫn ở lại Bệnh viện số 2 để theo dõi sức khỏe.
Về công tác xét nghiệm, từ ngày 27/1/2021 đến hết ngày 19/2, toàn tỉnh có hơn 136 ngàn lượt người được làm xét nghiệm. Trong đó, xét nghiệm dịch vụ là hơn 8.500 mẫu các loại với tổng số lượt người được làm xét nghiệm gần 14.500 lượt. Kết quả, không có mẫu dương tính.
Xét nghiệm diện rộng tại cộng đồng (từ ngày 7/2 đến nay) cho gần 68 ngàn lượt người. Kết quả, không có mẫu dương tính. Xét nghiệm liên quan đến ổ dịch là gần 54 ngàn lượt người. Kết quả, 60 ca dương tính, còn lại là âm tính.
Tính đến hết ngày 19/2, số người đang cách ly tại các cơ sở y tế trong tỉnh Quảng Ninh là 115 người; số đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 538 người.
Như vậy, đến đầu giờ sáng 20/2, Quảng Ninh đã trải qua 4 ngày không có ca mắc mới và 11 ngày không có ca mắc trong cộng đồng. Trước đó, ngày 8/2, Quảng Ninh đã công bố kiểm soát được dịch COVID-19.
Ngay sau khi tháo dỡ cách ly, lãnh đạo TP.Thuận An đã thăm hỏi, chúc tết muộn đến cư dân tòa nhà C2. |
Bình Dương không còn điểm phong tỏa
Sáng 20/2, chính quyền tỉnh Bình Dương đã dỡ bỏ phong tỏa khu vực cách ly phòng, chống dịch COVID-19 tại Khu C2, thuộc Khu dân cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An.
Vùng cách ly y tế khu vực phòng, chống dịch COVID-19 đối với các khu vực Khu dân cư Ehome 4 được đánh giá đã an toàn, sau 14 ngày phong tỏa. Toàn bộ 284 mẫu xét nghiệm của người sinh sống trong tòa nhà C2 đã được Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thông báo là âm tính với SARS-CoV-2.
Trước đó, vào đêm 11/2 (30 Tết), Khu dân cư Ehome 4 đã được thu hẹp phạm vi cách ly y tế, chỉ còn tòa nhà C2 là nơi có căn hộ của hai anh em bệnh nhân 1979 (nhân viên kho của sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh) và bệnh nhân 1980 (nhân viên hãng bán gạo tại Bình Dương).
Hiện tỉnh Bình Dương không còn điểm phong tỏa nào. Hai điểm dỡ phong tỏa trước đó là phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một và ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo.
Bệnh nhân COVID-19 nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam từ trước đến nay đã được công bố khỏi bệnh ngày 19/2. |
Em bé Hải Dương 24 ngày tuổi đã chiến thắng COVID-19
Ngày 19/2, toàn tỉnh Hải Dương có thêm 31 bệnh nhân được xuất viện gồm 22 bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến số 1 Trung tâm Y tế TP Chí Linh và 9 bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.
Trong số đó có bệnh nhi nhỏ tuổi nhất (mới 24 ngày tuổi) được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.
Như vậy, đến nay đã có tổng số 114 bệnh nhân điều trị tại Hải Dương được ra viện. Cụ thể, 68 bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến số 1 Trung tâm Y tế TP Chí Linh, 44 bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và 2 bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang.
Toàn tỉnh đã có 76 xã, phường, thị trấn ở 12 huyện, thị xã, thành phố có người mắc, tăng 1 xã. Hầu hết các ca bệnh mới đều là F1 và là người trong các khu vực đã được phong tỏa.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Hải Dương đánh giá ổ dịch tại Cẩm Giàng đã có dấu hiệu tích cực và ổ dịch TP Hải Dương cần theo dõi sát.
Tại Chí Linh hiện còn 1.901 F1 đang phải cách ly tập trung, 82 F1 là người khuyết tật, người già, trẻ sơ sinh cách ly tại nhà. Đến 7 giờ sáng 20.2, thành phố chỉ còn 21 khu cách ly tập trung, giảm 12 điểm so với trước đó. Người trong các khu cách ly đã được giãn cách. Ổ dịch Chí Linh đã được khống chế.
Dỡ bỏ phong tỏa một loạt địa điểm trên địa bàn Kinh Môn
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Hải Dương vừa quyết định kết thúc thời gian cách ly y tế đối với một số cụm dân cư trên địa bàn thị xã Kinh Môn từ 0h00’ ngày 19/2, do sau thời gian tối thiểu 14 ngày kể từ ngày có quyết định thiết lập vùng cách ly y tế không phát sinh ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2 (F0).
Cụ thể kết thúc thời gian cách ly y tế đối với:
- Phường An Lưu: Toàn bộ ngõ số 27, phố Thái Bình, KDC Vinh Quang; gồm 09 hộ gia đình với 39 nhân khẩu.
- Xã Minh Hòa: Ngõ Chùa, xóm 6, thôn Ngoại được xác định từ hộ gia đình ông Bùi Văn Tuấn, bà Đỗ Thị Hiền đến hết hộ gia đình ông Vũ Ngọc Giới, bà Nguyễn Thị Liên, gồm 31 hộ gia đình và 103 nhân khẩu.
- Phường An Phụ: Tổ 4, KDC 9 Trì 2 được xác định từ hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tiến đến hết hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Tần, với 5 hộ gia đình và 21 nhân khẩu.
- Phường Phạm Thái:
Xóm 3, phố Thái Sơn được xác định từ hộ gia đình ông Vũ Văn Công đến hết hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bột, gồm 16 hộ và 60 nhân khẩu
Toàn bộ các hộ gia đình xóm 5, KDC Dương Nham gồm 26 hộ gia đình và 69 nhân khẩu
- Phường Phú Thứ: toàn bộ phố Vạn Điền, KCD số 5, từ nhà ông Vũ Văn Toán đến nhà ông Nguyễn Thanh Pha; với 49 hộ gia đình và 128 nhân khẩu.
- Xã Quang Thành: một phần xóm 6, thôn Xạ Sơn từ hộ gia đình nhà ông Vũ Tuấn Câu đến hộ gia đình nhà ông Nguyễn Bách Liểu; gồm 9 hộ và 31 nhân khẩu.
- Xã Bạch Đằng: toàn bộ xóm 8, xóm 9, xóm 10, xóm 11 thôn Kim Lôi, được xác định từ các hộ gia đình nằm trên trục đường liên thôn và KDC bên trong từ cổng làng thôn Kim Lôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Diễn tại ngã 3 xóm 11 thôn Kim Lôi; gồm 594 hộ gia đình và 1.776 nhân khẩu.
- Phường An Sinh:
Toàn bộ khu bắc, tổ 5, KDC Văn Ổ được xác định từ đầu ngõ nhà ông Nguyễn Văn Hùng đến cầu Bà La, gồm 60 hộ gia đình và 180 nhân khẩu.
Toàn bộ ngõ từ hộ gia đình ông Nguyễn Đức Tám đến hộ gia đình ông Đoàn Văn Sâm thuộc Tổ 1, KDC Nghĩa Vũ, gồm 11 hộ gia đình và 40 nhân khẩu.
Toàn bộ ngõ từ hộ gia đình ông Tô Văn Mạnh đến hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Lưu thuộc tổ 8 và tổ 9, KDC Kim Xuyên 3, gồm 35 hộ gia đình và 140 nhân khẩu.
- Phường Hiến Thành: khu dân cư Phạm Xá, gồm 350 hộ gia đình và 1181 nhân khẩu.
- Phường Hiệp Sơn: khu vực nhà chị Mạc Thị Thu, KDC Hiệp Hạ được xác định từ cổng nhà ông Dân đến nhà bà Thuý, gồm 06 hộ gia đình và 17 nhân khẩu.
Cuối tháng Việt Nam sẽ có vaccine ngừa COVID-19
Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và các địa phương có dịch chiều ngày 15/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ Y tế đã rất chủ động và quyết liệt trong vấn đề tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19 của COVAX facility. Hiện cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vắc xin theo chương trình COVAX facility.
Cuối tháng 2 này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vắc xin theo 2 nguồn: nguồn từ chương trình COVAX facility là 4,88 triệu liều và nhập khẩu hơn 117.000 liều, như vậy, chúng ta có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất cho 5 triệu người.
Sau đó 3 tháng, chúng ta có thể có thêm hơn 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 khác. Như vậy, Việt Nam là một trong những nước ở Đông Nam Á tiếp cận vaccine COVID-19 tương đối tốt.
Vaccien COVID-19 "Made in Vietnam" an toàn, sinh miễn dịch tốt, không có biến cố bất lợi. |
Rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 "made in Việt Nam"
Về tiến độ nghiên cứu vaccine COVID-19 của Việt Nam, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine cho biết, đến nay Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã hoàn thành tiêm mũi thứ 2 và lấy máu 7 ngày sau tiêm mũi 2 để đánh giá tính sinh miễn dịch cho 60 tình nguyện viên được tiêm ở 3 mức liều: 25mcg, 50mcg và 75mcg.
Với kết quả nghiên cứu ở cả 3 mức liều tiêm, vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax an toàn, sinh miễn dịch tốt, không có biến cố bất lợi. Biểu hiện như sưng nóng, đỏ đau tại vết tiêm đều nằm trong dự đoán; đều tự khỏi, không cần can thiệp thuốc hoặc các biện pháp y tế khác.
Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia diễn ra vào sáng nay, đã tiến hành đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 của vaccine Nano Covax để chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Thực hiện 5K để chung sống an toàn với đại dịch COVID-19. |
Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi đầu tiên của giai đoạn 2; vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi thứ 2. Đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch, sẽ chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021.
Với tiến độ triển khai như hiện nay, ông Nguyễn Ngô Quang hy vọng, Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3. Như vậy, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị, triển khai, rút ngắn một nửa thời gian nghiên cứu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình cũng như dữ liệu về khoa học.
Cùng với đó, tiến độ sản xuất vaccine COVIVAC của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Bộ Y tế và vaccine của Công ty VABIOTECH đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1./.