In bài viết

Phòng chống dịch hiệu quả nhưng không gây ách tắc sản xuất, lưu thông

(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là phù hợp và đáp ứng với tình hình phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Nghị quyết sẽ phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua, tâm lý người dân ổn định, yên tâm hơn để bước vào giai đoạn mới.

13/10/2021 20:00

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Nghị quyết 128 của Chính phủ đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới hiện nay. 

Tạm thời không áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Trong đó, đánh giá mức độ dịch theo 4 cấp, các tiêu chí gồm số ca nhiễm mới tại cộng đồng, độ bao phủ tiêm vaccine và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Việc xác định cấp độ dịch ở phạm vi nhỏ nhất, có thể dưới cấp xã.

Đặc biệt, khi áp dụng hướng dẫn này, các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng quy định của các Chỉ thị 15 (năm 2020), 16 (năm 2020), 19 (năm 2020) của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, cao hơn hướng dẫn thì phải báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Nghị quyết này đáp ứng với tình hình phòng chống dịch COVID-19 mới hiện nay.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Thứ hai, Nghị quyết là cơ sở để chúng ta đánh giá nguy cơ dịch bệnh, không chỉ dựa trên số ca bệnh mà dựa vào cả các chỉ số như tỷ lệ tiêm chủng, khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị như đủ giường bệnh cho bệnh nhân phải nhập viện, những nguồn lực cần có cho các tuyến với mô hình tháp 3 tầng để bệnh nhân được can thiệp y tế kịp thời, giảm ca mắc nặng và tử vong…

Thứ ba, trên cơ sở đánh giá dựa trên nguy cơ, sẽ có đáp ứng hợp lý nhất để làm sao vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa triển khai các hoạt động kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt, tránh các hiện tượng mỗi nơi làm một kiểu, gây ách tắc đi lại cũng như tốn kém nguồn lực…

Điểm đáng chú ý nữa, theo PGS Trần Đắc Phu, đó là quy mô đánh giá và áp dụng có thể từ tuyến xã hoặc nhỏ hơn tuyến xã, để không diễn ra tình trạng nguy cơ ở vùng nhỏ nhưng áp dụng các biện pháp toàn tỉnh, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Như vậy là đánh giá nguy cơ sai, không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép của địa phương mà còn ảnh hưởng tới các địa phương khác.

“Đây là văn bản mới, Chính phủ cũng giao cho các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, chuyên ngành, có đầy đủ các quy định từ đánh giá nguy cơ đến triển khai các hoạt động một cách phù hợp theo tình hình mới để các địa phương thực hiện mà không phải theo Chỉ thị 15, 16, 19, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, các địa phương không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội: Nghị quyết như thổi hơi ấm vào toàn xã hội, khiến tâm lý người dân ổn định hơn, yên tâm hơn.

Tâm lý người dân ổn định, yên tâm hơn, bước vào giai đoạn mới

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết này có ý nghĩa rất quan trọng. Nghị quyết đã thống nhất việc chỉ đạo của Chính phủ và có hướng dẫn trực tiếp về nội dung thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới.

“Nghị quyết như thổi hơi ấm vào toàn xã hội, khiến tâm lý người dân ổn định hơn, yên tâm hơn. Nghị quyết cũng mở ra cánh cửa để tạo ra luồng sinh khí mới cho toàn bộ xã hội bước vào giai đoạn mới linh hoạt hơn để phòng chống dịch, sẵn sàng thích ứng từ mỗi cá nhân, tập thể đến cộng đồng”, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh, các quy định trong Nghị quyết mang tính tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm kiểm soát hiệu quả dịch. Cụm từ “thích ứng an toàn, linh hoạt” rất quan trọng, thể hiện từ sự mềm dẻo nhưng vẫn phải bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả.

Hai mục tiêu quan trọng vẫn luôn được Chính phủ nhấn mạnh và kiên trì thực hiện, đó là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định sản xuất, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Một điểm mới khác của Nghị quyết, đó là phân loại 4 cấp độ dịch từ tuyến xã đến phân vùng thông qua hướng dẫn của Bộ Y tế. Đây chính là cơ sở để các địa phương ban hành các quy định bảo đảm phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, tránh tình trạng thiếu tiêu chí nên không có sự thống nhất trong thực hiện cũng như trong xử lý các tình huống khi xảy ra dịch bệnh và ổn định sản xuất, an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong 4 cấp độ dịch, Nghị quyết của Chính phủ đã đưa ra 9 biện pháp lớn áp dụng theo các cấp độ đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan.

Ví dụ, đối với cá nhân, ở tất cả các cấp độ dịch đều phải tuân thủ 5K, việc đi lại sẽ khác nhau, nếu đi từ các địa bàn có các cấp độ dịch 1,2 thì không hạn chế, đối với cấp độ 3, 4 thì phải bảo đảm các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm. Đối với khu vực công sở, nếu ở trên địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 thì được hoạt động bình thường, ở cấp độ 3, 4 thì phải giảm số người làm việc, tăng cường làm việc trực tuyến…

Vấn đề này Nghị quyết chỉ ra rất rõ ràng, các biện pháp đều có quy định, điều kiện đi kèm nên rất thuận lợi đối với người dân, tổ chức, doanh nghiệp… khi thực hiện.

Nghị quyết cũng nêu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các bộ, ngành, địa phương khi tổ chức, hướng dẫn, thực hiện các giải pháp, có những biện pháp chung, có những biện pháp riêng biệt cho từng bộ, ngành, địa phương, tránh sự chồng chéo.

“Nghị quyết sẽ phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua”, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

 Hiền Minh