In bài viết

Phòng chống lừa đảo giả danh shipper, Bộ KH&CN yêu cầu doanh nghiệp bưu chính tăng cường bảo mật dữ liệu

(Chinhphu.vn) - Trước tình trạng kẻ xấu giả mạo nhân viên của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự an toàn xã hội, Bộ KH&CN đã yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường công tác bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính.

03/04/2025 16:42
Phòng chống lừa đảo giả danh shipper, Bộ KH&CN yêu cầu doanh nghiệp bưu chính tăng cường bảo mật dữ liệu- Ảnh 1.

Cảnh giác với thủ đoạn giả danh shipper lừa chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản

Tháng 3/2025, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hà Nội nhận được đơn trình báo của chị T (48 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về việc bị các đối tượng tự xưng là nhân viên của Công ty giao hàng lừa đảo.

Đối tượng thông báo chị T chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng của Công ty rồi hướng dẫn chị T truy cập website “igiaohangtietkiem.online” để hủy bỏ đăng ký tài khoản. Sau đó, lấy các lý do như nhập sai thao tác, nâng điểm tín nhiệm, đăng ký bảo hiểm giải ngân, bảo hiểm chống rửa tiền…, đối tượng yêu cầu chị T phải chuyển tiền mới có thể rút tiền về.

Sau khi chuyển 800 triệu đồng đến các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, chị T mới phát hiện mình bị lừa đảo nên đã đến cơ quan Công an để trình báo.

Ngoài trường hợp nêu trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc bị các đối tượng giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng thông tin cá nhân bị lộ lọt của người sử dụng dịch vụ để liên hệ với khách hàng, thông báo có đơn hàng và đề nghị chuyển tiền. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là mạo danh shipper hối thúc khách chuyển khoản đơn.

Ngay sau khi hoàn tất chuyển khoản, người dân sẽ bị chặn số liên lạc ngay lập tức, không thể liên lạc, mất tiền và không nhận được món hàng nào.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn dàn dựng tình huống thông báo cho người dân đã nhắn nhầm số tài khoản để đăng ký làm Hội viên shipper (hoặc tài khoản kích hoạt gói bảo hiểm…) và nhờ người dân gọi lên tổng đài để hủy, nếu không sẽ không trở thành hội viên và mất số tiền đã chuyển hoặc bị trừ tiền mỗi tháng.

Khi người dân làm theo hướng dẫn thì lại càng bị dẫn dụ chuyển khoản thêm tiền hoặc bị yêu cầu nhập thông tin tài khoản, cung cấp mã OTP để nhận lại tiền. Sau đó, các đối tượng sẽ chiếm đoạt hết tiền trong tài khoản của người dân và chặn liên lạc rồi biến mất.

Để bảo đảm an toàn dữ liệu của người sử dụng dịch vụ bưu chính, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, mới đây, Bộ KH&CN đã có công văn gửi các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường công tác bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính.

Cụ thể, nghiêm cấm doanh nghiệp bưu chính tiết lộ thông tin sử dụng dịch vụ bưu chính (quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Bưu chính); thực hiện phổ biến, quán triệt cho toàn bộ nhân viên giao hàng của doanh nghiệp về trách nhiệm bảo mật thông tin về dịch vụ bưu chính và hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt thông tin dịch vụ bưu chính.

Trường hợp doanh nghiệp có hành vi "Tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính trái pháp luật" thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Rà soát hoạt động của các hệ thống thông tin trong cung ứng dịch vụ bưu chính để đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu của các hệ thống.

Thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Bộ KH&CN cũng yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng các giải pháp để bảo vệ thông tin người sử dụng dịch vụ bưu chính như: Hệ thống thông tin định danh cuộc gọi của nhân viên bưu chính, mã hóa thông tin trên các bưu gửi (họ tên, số điện thoại, địa chỉ, nội dung hàng hóa…).

Bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính, trong đóchú trọng bảo mật thông tin người sử dụng dịch vụ bưu chính theo các quy địnhcó liên quan tại Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật An ninh mạng 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Thu Giang