In bài viết

Phòng chống sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi

(Chinhphu.vn) - Nếu trẻ dưới 9 tháng tuổi có thể vẫn còn có miễn dịch từ mẹ truyền sang, trong trường hợp mẹ có miễn dịch với bệnh sởi. Tuy vậy, cũng có những trẻ khi sinh ra không có đủ miễn dịch từ mẹ truyền sang nên có thể mắc sởi khi chưa đến 9 tháng tuổi.

19/04/2014 16:56
Không nên cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi.
Ảnh: VGP/Thúy Hà
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đã có những tư vấn về cách phòng chống bệnh sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi.

Ông Trần Đắc Phu cho biết những dấu hiệu điển hình của bệnh sởi ở trẻ là: Trong 7-21 ngày sau tiếp xúc với nguồn lây, bệnh nhân sẽ sốt cao, ho, hắt hơi, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc. Từ 2- 4 ngày sau sẽ bắt đầu phát ban sẩn, không có nước, khi căng da thì tan biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần, ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vẩy phấn xẫm màu, để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện.

Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban. Đặc biệt, trong thời gian mắc hoặc sau khi đã khỏi bệnh sởi, người bệnh có thể vẫn bị các biến chứng do sức đề kháng của cơ thể suy giảm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí viêm não dễ dẫn đến tử vong.

Hiện nay việc tiêm sởi cho trẻ theo lịch tiêm chủng mũi 1 vào lúc trẻ 9 tháng, và mũi 2 là lúc trẻ 18 tháng. Nếu trẻ dưới 9 tháng tuổi có thể vẫn còn có miễn dịch từ mẹ truyền sang, trong trường hợp mẹ có miễn dịch với bệnh sởi do đã được tiêm vaccine phòng sởi hoặc đã mắc sởi.

Tuy vậy, cũng có những trẻ khi sinh ra không có đủ miễn dịch từ mẹ truyền sang nên có thể mắc sởi dưới 9 tháng. Vì vậy, theo ông Trần Đắc Phu, tốt nhất trong thời gian chưa đến lịch tiêm cho trẻ, các gia đình nên thực hiện các biện pháp sau đây: 

- Không nên cho trẻ đến những chỗ tập trung đông người khi không cần thiết.

- Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi.

- Không cho trẻ đến nơi đang có dịch, những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh như bệnh viện, phòng khám, nơi đang tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sởi.

- Người chăm sóc trẻ cũng không nên tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh sởi hoặc nghi sởi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sau đó cần thay quần áo tắm rửa sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ. Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi bế ẵm, chăm sóc trẻ. Đảm bảo vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ.

- Khi trẻ đủ 9 tháng, cần cho trẻ đi tiêm vaccine sởi đúng lịch.

Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, sởi là một bệnh lây nhiễm rất cao theo đường hô hấp, gần như là trẻ chưa có miễn dịch với sởi mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có khả năng lây bệnh. Và trẻ bị nhiễm virus sởi gần như 100% có biểu hiện bệnh lý.

Việc trẻ đi đến bệnh viện để chữa các bệnh khác mà tiếp xúc với nguồn lây là có khả năng mắc bệnh sởi. Hiện tại, ở bệnh viện có số trẻ mắc sởi đông, không có khả năng thực hiện tốt các biện pháp cách ly do quá tải, các bệnh nhân đến khám không được theo luồng riêng, không được phân tách các bệnh truyền nhiễm riêng, trẻ em nằm quá đông, thậm chí nằm chung giường bệnh thì khả năng mắc sởi có thể xảy ra.

Ông Trần Đắc Phu khuyêncác bà mẹ có con em mắc bất kỳ một bệnh nào cần đến các cơ sở y tế tuyến cơ sở để được khám và tư vấn nên điều trị ở tuyến nào là phù hợp. Và những bệnh nhẹ thì có thể điều trị ở nhà hoặc những cơ sở y tế tuyến dưới, không đi lên tuyến trên nơi đang điều trị những bệnh nhân sởi, vì ở đó có nguồn lây bệnh.

Khi trẻ sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần đưa trẻ đến BV quận/huyện gần nhà nhất, hoặc BV tuyến tỉnh, thành phố. Trẻ sẽ được làm xét nghiệm máu tìm kháng thể IgM, kết quả có sau 1 ngày, nếu dương tính là trẻ đã mắc sởi, bác sĩ cũng sẽ khám, chụp X quang phổi để phát hiện sớm các biến chứng. Nếu không có, trẻ sẽ được cho về nhà hướng dẫn cách chăm sóc, bởi đây vốn là bệnh lành tính, chỉ nguy hiểm khi có biến chứng.

Khi trẻ đã xuất hiện ban và được chẩn đoán sởi, cần được cách ly 4-5 ngày sau phát ban để hạn chế nguồn lây ra cộng đồng. Hiện nay, phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sởi đã được triển khai thống nhất trên cả nước, các bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể điều trị bệnh sởi.

Trẻ mắc sởi ở các thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường khác, gia đình nên hạn chế chuyển trẻ lên BV tuyến trên nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm thêm các bệnh khác.

Theo PGS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương,để phòng chống bệnh sởi nói chung hiện nay cần lưu ý mấy điểm sau:

- Thường xuyên nghe thông báo của ngành Y tế về các bệnh dịch

- Cần áp dụng đầy đủ các khuyến cáo của ngành Y tế cũng như của y tế cơ sở khi có dịch xảy ra.

- Cần tránh tụ họp, tránh chỗ đông người và người lớn mỗi khi về nhà cần vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ, tránh tình trạng mang vi khuẩn, virus trong môi trường về cho các cháu.

- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của các cháu để phát hiện kịp thời các biểu hiện bệnh, để đưa đi khám.

- Đặc biệt, nếu các cháu được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine sởi sẽ có tác dụng phòng bệnh một cách chắc chắn nhất.

Thúy Hà