Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sự cố tràn dầu, hóa chất độc đang gây ra tác động tiêu cực đến môi trường biển Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả ứng phó với các sự cố nêu trên, ngày 12/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 103/2005/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và năm 2013 quy định này đã được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 02/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng không đề cập đến hoạt động ứng phó với sự cố hóa chất độc. Quy chế này quy định các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên toàn lãnh thổ và các vùng biển Việt Nam. Quy chế đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, sự phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, Quy chế chỉ quy định cho hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, xử lý và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, thiếu các nội dung liên quan đến lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu các cấp.
Ngày 21/11/2007, Quốc hội ban hành Luật hóa chất. Luật này quy định các nội dung trong đó có nội dung lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng đến nay các văn bản quy định chi tiết thi hành luật chỉ quy định về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất.
Ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, trong đó có quy định về ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản về khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển.
Để nâng cao hiệu quả phối hợp, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển là cần thiết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Quy chế phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển gồm 5 chương, 44 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định cụ thể về phòng ngừa, tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển…
Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển
Theo dự thảo, kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển bao gồm:
1- Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, Kế hoạch quốc gia phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc trên biển.
2- Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên biển của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển (Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên biển của tỉnh); Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất độc trên biển của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển (Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất độc trên biển của tỉnh).
3- Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên biển của cơ sở, dự án, tàu (Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trên biển của cơ sở); Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất độc trên biển của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất độc.
4- Kế hoạch, phương án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu trên biển; Kế hoạch, phương án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó sự cố hóa chất độc trên biển.
Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm lập, thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển cũng như hồ sơ trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch; xây dựng nguồn lực ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn