Theo ông Minh, khó khăn này xuất phát từ điều kiện được cấp phù hiệu, bao gồm:
- Lái xe phải đi học đạo đức nghề nghiêp, trong khi không phải lúc nào, tuần nào Sở Giao thông vận tải cũng mở lớp để học, nên trong lúc chờ thì xe bị "đắp chiếu", lãng phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
- Phù hiệu do Sở Giao thông vận tải cấp và được dán mặt trong kính cabin xe. Sau khoảng 3 tháng, do ánh nắng mặt trời nên phù hiệu bị phai chữ không đọc được khiến lái xe bị phạt do lực lượng thi hành công vụ nghi ngờ là phù hiệu giả. Điều này khiến chủ xe phải đến Sở Giao thông vận tải xin xác nhận là phù hiệu thật để xe được lưu hành.
- Lái xe phải có lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển trong khi lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển chỉ phù hợp xe chạy đường dài. Trường hợp những xe chạy trong tỉnh, thành phố, trong một ngày chạy các cung đường khác nhau, hàng hóa khác nhau thì rất khó để viết lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển.
- Hộp đen (GPS): Thiết bị quản lý này là cần thiết, nhưng chỉ cần lồng ghép vào khâu đăng kiểm.
- Phí làm phù hiệu khoảng 1,8 triệu đồng/năm, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ông Minh cho rằng quy định cấp phù hiệu cho xe tải cần được xóa bỏ để dừng việc gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Sẽ thay thế chất liệu phù hiệu
Ngày 19/4/2017, Bộ Giao thông vận tải đã có Tờ trình số 4195/TTr-BGTVT trình Chính phủ và gửi kèm theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các báo cáo liên quan.
Vấn đề này, ngay sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP được ban hành, Bộ Giao thông vận tải sẽ giao Tổng cục đường bộ Việt Nam nghiên cứu nội dung thay thế mẫu phù hiệu và chất liệu để tránh việc phù hiệu bị phai chữ không đọc được do thời tiết hoặc điều kiện khách quan.
Cần thiết có lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển
Theo quy định tại Khoản 6, Điều 53 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động vận tải đường bộ thì lái xe khi tham gia vận tải hàng hóa trên đường ngoài việc mang các giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật còn phải mang theo Giấy vận tải để thuận lợi cho công tác quản lý lái xe, hàng hóa của các đơn vị vận tải và cơ quan quản lý nhà nước, cũng như thuận tiện cho công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trên đường (Cảnh sát giao thông, Thanh tra...).
Vì vậy, việc đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có "Giấy vận tải" và yêu cầu lái xe phải mang theo trên đường là thực sự cần thiết.
Phù hiệu là công cụ phân biệt và xử lý vi phạm
Theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vận tải đường bộ, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bao gồm 2 hình thức (kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp), trong đó quy định rõ các loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, các quy định về vận tải người nội bộ và để quản lý mỗi loại hình kinh doanh này cần phải có các phù hiệu, biển hiệu cho phương tiện.
Do đó, việc cấp, quản lý và sử dụng phù hiệu cho từng loại phương tiện là thực sự cần thiết. Ngoài ra đây là một trong những công cụ hữu ích để các lực lượng chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra...) phân biệt và xử lý vi phạm (nếu có) đối với các loại phương tiện này khi tham gia lưu thông trên đường.
Chinhphu.vn