In bài viết

Phụ nữ dân tộc thiểu số: Nỗ lực vượt qua định kiến giới, khẳng định giá trị bằng tri thức

(Chinhphu.vn) - Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số. Hành trình khẳng định vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số là một hành trình lâu dài và bền bỉ, không ít chông gai nhưng cũng là hành trình của niềm tin, hạnh phúc, của khát vọng.

08/12/2022 14:33
Phụ nữ dân tộc thiểu số: Nỗ lực vượt qua định kiến giới, khẳng định giá trị bằng tri thức - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam đã nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế bằng du lịch homestay

Với mong muốn thoát nghèo và góp phần cùng mọi người trong xã chống lại đói nghèo, tảo hôn và tệ nạn ma túy, cô y sĩ người H'Mông - Sùng Y Múa (SN 1984, tỉnh Hòa Bình) đã quyết tâm khởi nghiệp làm du lịch cộng đồng.

Sùng Y Múa chia sẻ, cô may mắn là 1 trong 13 cô gái được đi học ở bản thời điểm đó. "Đi học vì sợ cái nghèo, sợ không biết chữ, lúc ấy tôi nghĩ phải cố gắng học thật tốt. Ngày tôi đi học rất vất vả, 5-6 tháng mới được về nhà một lần, nhưng tôi không bỏ trường, bỏ lớp. Lúc ấy tôi nghĩ phải cố gắng học thật tốt. Tôi tự hỏi sao người Mông cứ phải lên nương, lên rẫy, mình phải học những dân tộc ngay bên cạnh mình như dân tộc Mường, dân tộc Thái...".

Sau khi học xong ngành y, Sùng Y Múa về xã Hang Kia (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) sinh sống. Nơi đây, từng được mệnh danh là "thánh địa ma túy". Bên cạnh đó, nhiều quan điểm lạc hậu cũng bủa vây người phụ nữ như phụ nữ sinh nở tại nhà, ngoài gọi y sĩ đến đỡ đẻ, bà con còn mời cả thầy cúng đến nhà trong lần vượt cạn.

Trong đầu Sùng Y Múa nảy ra suy nghĩ, sẽ phải tuyên truyền dần để bà con sống văn minh hơn, bỏ bớt các hủ tục lạc hậu vốn có từ ngàn xưa. Chị cho rằng, phát triển du lịch mang đến sự giao thoa văn hóa, các chị em không được ra ngoài để thấy xã hội văn minh, nhưng làm du lịch sẽ giúp họ học hỏi được nhiều điều, tiếp cận vào giao lưu với nhiều cái mới, để thay đổi cuộc sống.

Chị Sùng Y Múa đã phát triển loại hình trải nghiệm homestay. Hiện nay, mô hình homestay Y Múa của gia đình chị đã tạo việc làm cho hàng chục người trong bản, góp phần thay đổi nhận thức, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đưa Hang Kia từ một điểm nóng ma túy trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng; đồng thời giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa người Mông.

Cũng giống như chị Sùng Y Múa với quyết tâm theo đuổi học hành, chị Thạch Thị Chal Thi (sinh năm 1989, người dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh) chia sẻ: "Là người dân tộc Khmer, lúc tôi 18 tuổi, cả làng không ai đi học đại học, vì định kiến là con gái lớn lên lấy chồng, sinh con, học để làm gì? Tôi lên TPHCM học và thuyết phục cha mẹ, vừa học, vừa làm để có tiền trang trải việc học đại học, rồi tiếp tục học thạc sĩ về Công nghệ thực phẩm tại trường Đại học Bách khoa TPHCM. Nhờ vào sự học đó, tôi mới có cơ hội trở về phát triển nghề thu mật hoa dừa ở Trà Vinh - tỉnh trồng dừa lớn thứ 2 cả nước vậy mà năm 2018, dừa bỏ mọc mầm, không ai thu mua. Tôi suy nghĩ giờ chính là lúc quay về quê hương và giúp đỡ mọi người ".

Giờ đây, là Giám đốc công ty TNHH Trà Vinh FARM (Sokfarm), chị Thạch Thị Chal Thi không chỉ giúp bố mẹ, bản thân có cuộc sống khá giả mà còn giúp thay đổi cuộc sống của hơn 70 hộ gia đình nhờ việc thu mật hoa dừa và đưa sản phẩm này đi khắp thế giới.

"Hãy theo đuổi giáo dục, tìm cách tự chủ kinh tế thì mọi ước mơ, mọi khát khao của chúng ta sẽ được đền đáp", vị nữ giám đốc nhắn nhủ.

Những câu chuyện của chị Sùng Y Múa, chị Thạch Thị Chal... đã thể hiện nỗ lực trong hành trình chinh phục ước mơ và khát vọng. Họ đã trở thành những gương phụ nữ dân tộc thiểu số điển hình, đại diện cho các chị em dân tộc thiểu số Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, nỗ lực vượt qua định kiến giới và khẳng định giá trị bằng tài năng, tri thức, lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng, góp phần dựng xây quê hương, hướng đến sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Phụ nữ dân tộc thiểu số: Nỗ lực vượt qua định kiến giới, khẳng định giá trị bằng tri thức - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thứ hai bên phải) lắng nghe những chia sẻ của phụ nữ dân tộc thiểu số - Ảnh: UBDT

Giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số phải thực chất, hiệu quả

Trong những năm qua, với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã luôn đồng hành cùng các lực lượng phụ nữ, nhất là phụ nữ ở địa bàn khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi. Nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực đã được phát động và thực hiện hiệu quả như chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", các đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội…

Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 10 dự án thành phần được giao cho các bộ, ngành tham gia chủ trì, quản lý và tổ chức thực hiện theo hướng đầu tư tổng thể, toàn diện phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao chủ trì, tổ chức thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Dự án số 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khẩn trương thành lập Ban điều hành Dự án cấp Trung ương; chủ động xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện Dự án; tổ chức tập huấn, hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh trong tham mưu xây dựng kế hoạch; kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án.

Dự án 8 đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thiết kế với nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng mô hình, tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội... hướng tới góp phần thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá, với vai trò cơ quan chủ trì Chương trình, Ủy ban Dân tộc sẽ đồng hành, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND các tỉnh trong công tác tổ chức thực hiện Dự án 8; tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện để mục tiêu thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

"Phải đưa việc thực hiện các dự án trong chương trình nói chung và dự án đối với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đi vào thực chất, tích hợp cộng hưởng, góp phần củng cố thêm hiệu quả cũng như chất lượng thực hiện hỗ trợ đầu tư của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để thực hiện Dự án 8, chúng ta cần tiếp tục nhân lên những câu chuyện điển hình về xóa bỏ định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, thực hiện tốt bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi", Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là một trong 10  dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dự án được thiết kế chú trọng 4 nội dung đó là: (1) Tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; (2) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; (3) Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; (4) Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng

Hoàng Giang