Tổ hợp tác xã trồng và cung ứng rau, củ, quả theo hướng an toàn sinh học của chị Bùi Thị Mích (Hòa Bình) |
Từ chỗ buôn bán các loại cây dược liệu thô ban đầu để mưu sinh, nhất là mặt hàng cây khổ qua rừng, chị Lương Thị Mỹ Huệ (thị trấn Đắk Tô) đã chuyển sang vừa thu mua vừa tự nghiên cứu các phương thức chế biến đa dạng sản phẩm từ những cây dược liệu rừng này.
Chị Huệ cho biết, đồng bào nơi đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp với việc phát nương làm rẫy, canh tác các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp và khai thác các lâm sản từ rừng. Do đó, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Dự án “Xây dựng chuỗi liên kết phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm OCOP đặc sản Kon Tum để phát triển kinh tế bền vững” được chị Lương Thị Mỹ Huệ triển khai tại huyện Đắk Tô, Kon Tum từ năm 2019.
Dự án đã giúp chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại Ngọc Tụ và Văn Lem- 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Tô- phát triển kinh tế, có sinh kế bền vững. Các chị em được hỗ trợ giống, kỹ thuật, ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra ổn định.
Hiện nay, doanh nghiệp của chị Huệ đang triển khai ký kết hợp đồng với 35 chị em để trồng 5 ha khổ qua rừng, 10 ha sâm dây Ngọc Linh, 5 ha nếp cái hoa vàng; trồng thí điểm các dược liệu khác như gừng sẻ, lạc tiên, khoai sâm... Từ đó, sản xuất ra các sản phẩm đặc sản Kon Tum đạt OCOP như: Trà khổ qua rừng, trà sâm dây Ngọc Linh, nếp cái hoa vàng… góp phần nâng cao giá trị của các loại dược liệu vùng Ngọc Linh, xây dựng và quảng bá đặc sản Kon Tum; đồng thời, giảm sự phụ thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số vào rừng, giảm tình trạng phát nương làm rẫy.
Cũng lọt vào vòng chung kết Cuộc thi, dự án "Trồng và cung ứng rau, củ, quả theo hướng an toàn sinh học" của chị Bùi Thị Mích (Hòa Bình) là một mô hình mới, dành cho đối tượng đặc biệt.
Tổ hợp tác xã của chị Mích có 10 chị em phụ nữ yếu thế bị ảnh hưởng bởi HIV và 40 lao động trong gia đình của các thành viên. Họ đều có chung một mong muốn vượt lên chính mình để phát triển kinh tế gia đình và hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, Tổ hợp tác xã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rau an toàn bằng cách sử dụng men vi sinh ủ phân hoai mục để bón cây trồng và có hệ thống tưới nước thuận lợi, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật…
Với mục tiêu phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ theo hướng sinh học tại địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động, chị Bùi Thị Mích mong muốn Ban Tổ chức Cuộc thi có thể hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng sinh học cũng như hỗ trợ kinh phí giúp cho phụ nữ yếu thế bị ảnh hưởng bởi HIV phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động, sinh hoạt với tổ chức hội và tái hòa nhập cộng đồng.
Phát huy nội lực và vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế
Chính thức phát động từ trung tuần tháng 2/2021, đến nay, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP" đã thu hút 1.549 đề xuất dự án, ý tưởng tham gia.
Trong số này, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, chế biến thực phẩm chiếm tỉ lệ cao nhất (54%), tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ chiếm 20%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 11%, công nghệ (sinh học, môi trường) chiếm 2%, các lĩnh vực khác chiếm 13%.
Điều đặc biệt ở cuộc thi lần này là trong tổng số 1.549 dự án dự thi, có tới 21% chủ thể là chị em phụ nữ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng; phụ nữ khuyết tật chiếm 5%, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV chiếm 1%; ngoài ra còn có 24 dự án của các em nữ sinh viên các trường đại học trên cả nước.
Ông Đặng Văn Cường, Trưởng Phòng Quản lý quốc gia Chương trình OCOP, Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành viên Ban Giám khảo đánh giá Cuộc thi năm nay có số lượng ý tưởng, dự án đăng ký rất phong phú, đa dạng. Điểm đặc biệt nữa là chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với Chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Thông qua Cuộc thi, chúng tôi muốn tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ và giúp chị em vươn lên thoát nghèo; giúp các chị em làm chủ được bản thân, kinh tế, gia đình, làm giàu chính đáng; đồng thời, qua các ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ sẽ tạo tính lan tỏa tới các chị em phụ nữ cả nước”.
Hầu hết các dự án dự thi đều thể hiện đam mê, khát khao, tinh thần đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh doanh, đặc biệt các dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng đã và đang phát huy nội lực và vai trò của nhóm phụ nữ đặc thù trong phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ban Tổ chức đã quyết định chuyển đổi sang trạng thái thích ứng an toàn, triển khai nhiều hoạt động đồng hành đưa tri thức số đến với phụ nữ khởi nghiệp, đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tổ chức đào tạo cho các tác giả dự án, ý tưởng và cuộc thi thuyết trình online cấp vùng.
“Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam muốn đưa ra thông điệp về khởi nghiệp không rào cản, không khoảng cách, không phân biệt đối tượng, vì vậy, các chị em hãy tự tin vượt qua rào cản, định kiến để đưa những ý tưởng trở thành hiện thực, khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội hiện đại và đóng góp cho sự phát triển của địa phương, đất nước”, bà Đỗ Thị Thu Thảo chia sẻ.
Lễ trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp toàn quốc năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày mai (15/10) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội cũng như kết nối với 21 điểm cầu trên cả nước; được phát sóng trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, fanpage Thông tin Chính phủ.
Hoàng Giang