![]() |
Diễn đàn "Doanh nhân nữ Việt Nam hướng tới tương lai". Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), diễn đàn đã thu hút trên 100 doanh nhân nữ từ các tỉnh, thành phố đóng góp ý kiến và khuyến nghị để xây dựng chiến lược của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tới năm 2020 với mục tiêu xây dựng một tổ chức cấp quốc gia mạnh có thể đại diện một cách hiệu quả cho tiếng nói của cộng đồng doanh nhân nữ trong công tác vận động chính sách và hỗ trợ các thành viên làm kinh tế.
Giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker cho biết các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Báo cáo Khảo sát Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh 2013 được công bố gần đây cho thấy phụ nữ là chủ sở hữu 21% trong tổng số 7.821 doanh nghiệp được khảo sát. Đại diện USAID mong muốn tiếp tục củng cố vai trò chiến lược của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam trong việc thúc đẩy sự tham gia sâu rộng hơn của phụ nữ vào lĩnh vực kinh doanh để đảm bảo Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững và có sự tham gia của mọi thành phần.
Bà Mai Thị Diệu Huyền, Trưởng phòng Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều cơ hội mở ra nhưng cũng không ít thách thức đối với Doanh nhân nữ Việt Nam. Để thành công, họ phải nỗ lực để vượt qua 4 trở ngại cốt lõi: Phụ nữ vẫn thiếu tiếp cận về giáo dục và đào tạo kiến thức kinh doanh cần thiết, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, gặp khó khăn trong việc vay vốn tại ngân hàng, thường thiếu mạng lưới, sự cố vấn và cơ hội lãnh đạo trong kinh doanh…
Đánh giá cao các doanh nhân nữ, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét: Trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do tạp chí Forbes công bố đầu năm nay thì có 3 doanh nhân nữ của Việt Nam được vinh danh. Đó là một minh chứng rõ ràng cho thấy phụ nữ Việt Nam làm kinh doanh không hề thua kém nam giới. TS Lộc cho biết, cứ 4 doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ, với tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước.
Thực tế, các doanh nghiệp của doanh nhân nữ thường chỉ ở quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, với bản chất chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ nên nhiều doanh nghiệp do nữ doanh nhân lãnh đạo lại trụ vững hơn so với nam giới, nhiều chị em còn biến thách thức thành cơ hội để doanh nghiệp tiến lên hàng đầu Việt Nam và khu vực. Hơn nữa, các doanh nhân nữ thường có xu hướng sử dụng lao động nữ nên góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ và các vấn đề an sinh xã hội. Vì thế, mục tiêu của Chương trình phát triển bình đẳng giới 2011-2020 là tỷ lệ doanh nhân nữ đạt ít nhất 35%, để khẳng định hơn nữa vai trò của phụ nữ trong kinh doanh ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch Mạng Nữ doanh nhân ASEAN nhấn mạnh: Một trong những bí quyết có thể giúp các doanh nhân nữ tháo gỡ các khó khăn cốt lõi trên chính là “sự chia sẻ”. Các doanh nhân nữ có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, chia sẻ nguồn lực, chia sẻ ý tưởng và chia sẻ thương hiệu thông qua nhượng quyền. Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực cung cấp các chương trình tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nhân nữ, kết nối mạng lưới và đưa Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam trở thành một tổ chức hỗ trợ, chia sẻ thông tin hữu ích.
Anh Minh