Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, khí hậu khô hạn nhất cả nước, nhiệt độ trung bình năm cao trên 27 độ C, lượng mưa trung bình từ 1.000 đến 1.600 mm/năm, chỉ bằng 1/2 lượng mưa trung bình ở Nam Bộ. Bình Thuận có gần 90.000 ha bị sa mạc hóa, chiếm 11% tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn. Bình Thuận cũng là địa phương có gió trong mùa khô rất mạnh kèm theo cát từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, tạo điều kiện hình thành diện tích đất sa mạc hóa trải dọc gần 50 km bờ biển.
Theo ông Lê Văn Chơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, tình trạng suy thoái môi trường, sa mạc hóa đang ngày càng tăng và đã dẫn đến một số hậu quả xấu cho môi trường.
Mặc dù sa mạc là một hiện tượng tự nhiên đáp ứng với điều kiện khí hậu nhưng nó trở nên trầm trọng hơn khi có sự tác động của con người, tạo ra sự mất cân bằng trong tự nhiên. Hơn nữa, diện tích rừng đang bị thu hẹp; việc khai thác cho các mục đích cơ sở hạ tầng và nhiên liệu đã dẫn đến xói mòn đất...
Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết cho biết thêm, sa mạc hoá là một vấn đề môi trường lớn. Vì vậy, cần thấm nhuần ý nghĩa của việc trồng cây, phủ xanh đất trống, phục hồi hệ sinh thái của những vạt rừng trên mọi miền của tỉnh.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, thông qua các hành động thiết thực, cụ thể. Tại hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu cam kết của Việt Nam trong việc sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Qua đó, Việt Nam có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỷ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Đồng thời, Việt Nam chủ trương kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, bền vững.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2021 với chủ đề "Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau", các đại biểu đã thảo luận những nội dung trọng điểm liên quan đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp gắn với kinh tế tuần hoàn. Theo đó, để vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống; hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại giá trị kinh tế-xã hội.
Nhận thức rõ vấn đề này, cộng đồng doanh nghiệp xác định là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.
Là một trong những doanh nghiệp nằm trong Top 10 Doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam, Novaland, một thành viên của NovaGroup, đã và đang triển khai định hướng tập trung phát triển bền vững hướng đến kinh tế xanh, áp dụng hiệu quả các chính sách của Chính phủ gắn với tăng trưởng xanh.
Novaland còn là một trong số ít các doanh nghiệp bất động sản đi đầu trong việc áp dụng hệ thống công trình xanh EDGE của tổ chức IFC - World Bank trong thiết kế và thi công dự án. Nguồn nguyên liệu sử dụng được đội ngũ nghiên cứu và phát triển lựa chọn những sản phẩm thân thiện môi trường, mang đến giá trị bền vững và sức khỏe cho cộng đồng dân cư không chỉ tại các công trình của Novaland, mà các cộng đồng lân cận.
Là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, trong quá trình phát triển, Tập đoàn Novaland luôn ý thức nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn. Với mục tiêu tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng đến bền vững, chiến lược của Novaland là tập trung đầu tư vào các dự án xanh và bền vững ngay từ giai đoạn chọn lựa dự án đầu tư, thiết kế cho đến giai đoạn thi công và vận hành. Có thể nói đến dự án NovaWorld Phan Thiet với quy mô 1.000 ha đang được xem là một điểm đến dự án đầy hấp dẫn tại Phan Thiết, Bình Thuận, để chủ động có nguồn cây xanh phục vụ dự án, Novaland đã thiết lập vườn ươm ngay tại địa phương, tiến hành cải tạo chỉnh trang khu công viên phía trước dự án để tạo điểm nhấn cho địa phương cũng như bảo đảm tiêu chí công trình xanh
Bên cạnh đó, Novaland còn ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại vào vận hành như sử dụng năng lượng xanh, phân loại rác thải tại nguồn, nỗ lực phát triển đô thị sinh thái thông minh bền vững.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gia tăng dân số, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã làm gia tăng khối lượng và chủng loại chất thải rắn sinh hoạt. Những khó khăn trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển và quản lý chất thải đang tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trước thực trạng đó, dự án "Phân loại rác thải tái chế tại các chung cư do Novaland phát triển" được xây dựng dựa trên Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa NovaGroup và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO VN), sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện lối sống xanh, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
NovaGroup cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác đồng hành cùng chiến lược phát triển bền vững, trong đó trọng tâm là Chương trình trồng mới 10 triệu cây xanh tại một số địa phương như Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai… để hiện thực hóa sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh của nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Điều này không chỉ góp phần cải thiện môi trường sinh thái mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình và xã hội, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương, đất nước.
Theo ông Nguyễn Văn Chơn, hoạt động khởi xướng của các doanh nghiệp và NovaGroup sẽ góp phần đạt được các mục tiêu kép trong phát triển bền vững của tỉnh nói chung và thành phố Phan Thiết nói riêng; giảm sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo thêm cảnh quan môi trường, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo hướng phát triển bền vững. Hơn hết, việc thực hiện chương trình sẽ góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, từ đó tạo thói quen, ý thức tự giác trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh từ mỗi người dân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, tăng cường vận động toàn dân tích cực trồng cây phủ xanh đất trống, làm đẹp, làm xanh mát đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, khu phố, trường học, bệnh viện, công sở.
Hưởng ứng "Chương trình trồng một tỷ cây xanh theo Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ", ngày 5/6, tại tỉnh TP. Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng NovaGroup tổ chức Lễ phát động trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2015. Mục đích của hoạt động này là nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng và giá trị của rừng, trồng cây và trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội bền vững và môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu; hưởng ứng các hoạt động trồng cây Ngày Môi trường Thế giới (ngày 5/6/2022).
Anh Thơ