Ảnh minh họa |
Tỉnh Phú Yên tập trung triển khai các mô hình công nghệ và biện pháp kỹ thuật nhằm định hướng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; trong đó, lựa chọn, xây dựng và áp dụng thử nghiệm các mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch, thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường để nhân rộng ra các địa phương có các loại hình làng nghề tương tự.
Công tác truyền thông, đào tạo, nâng cao năng lực bảo vệ môi trường làng nghề cũng sẽ được tăng cường; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường làng nghề cho cán bộ các cấp; đồng thời mở các khóa đào tạo, tập huấn về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề...
Trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tỉnh đã tính đến việc chọn các tour du lịch đến một số làng nghề ven biển gắn với khám phá các điệu hò bá trạo, hát bài chòi và khuyến khích người dân làm hàng mỹ nghệ từ vỏ hải sản. Do vậy, công tác bảo vệ môi trường làng nghề là hết sức quan trọng. Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 của tỉnh Phú Yên cũng đã nêu rõ, đến năm 2020, sẽ quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề và cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới; 100% các cơ sở sản xuất còn tồn tại trong các khu vực nông thôn được di dời vào cụm tiểu thủ công nghiệp-làng nghề, hoặc chấm dứt hoạt động; 100% các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp-làng nghề tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường...
Theo Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, hiện toàn tỉnh có khoảng 20 làng nghề truyền thống (7 làng nghề được công nhận theo tiêu chí mới của Bộ Công Thương); trong đó có 8 làng nghề truyền thống ven biển, thu hút gần 1.100 hộ dân tham gia, với thu nhập bình quân từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Minh Phương