Ảnh minh họa |
Theo đó, tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2020, 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa) được nhận sự trợ giúp và được cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp; nâng cao chất lượng chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và cộng đồng.
Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ổn định cuộc sống, có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng; phát triển các hình thức chăm sóc thay thế trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú.
Trong giai đoạn từ năm 2014-2020, tỉnh Phú Yên sẽ tập trung thí điểm mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và một số mô hình trợ giúp khác.
Tỉnh Phú Yên cũng sẽ tập trung nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội và nhà xã hội để đủ điều kiện chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng mô hình ngôi nhà tạm lánh để tiếp nhận, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa tại một số địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin bảo trợ xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên toàn tỉnh Phú Yên có khoảng 6.820 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chiếm 2,96%/tổng số trẻ em; trong đó, có 2.018 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không người nuôi dưỡng; 1.123 trẻ em khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; 1.068 trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học; 02 em bị nhiễm HIV/AIDS; 2.609 em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện sinh sống đều khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng khó khăn thường xảy ra thiên tai lũ lụt cao hơn so với các xã ở vùng đồng bằng và thành thị.
Mỹ Luận