Nhà Rông mới có chiều cao 22m (tính từ nền đất tới đỉnh chóp), cao hơn Nhà Rông cũ khoảng 4m, chiều dài 16m, chiều ngang chỗ rộng nhất 6,5m, đường kính trung bình cột Nhà Rông khoảng 70cm. Ông Lê Đức Hòa, Phó chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho biết: “Toàn bộ số cột bằng bê tông cốt thép còn lại từ Nhà Rông cũ sẽ được thay thế bằng gỗ”.
Sau 5 tháng UBND thành phố Kon Tum kêu gọi ủng hộ phục dựng Nhà Rông, một số tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã đăng ký tham gia. Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Duy Tân (Kon Tum) ủng hộ 29 lóng gỗ tốt nhập khẩu từ Lào. Lóng dài nhất 14m, ngắn nhất 7m, lóng to nhất đường kính 85cm. Số gỗ này dự kiến dùng để làm cột và thanh đà ngang.
Gỗ được tập kết để phục dựng Nhà Rông
Hơn 100 hộ dân làng Kon Klor đã tổ chức hai đợt vào rừng trong thời gian nửa tháng để khai thác gỗ, tre về làm rui, mè. Những cây gỗ, tre dài trung bình 16m được ngâm trong nước nhằm tăng thêm độ bền. Việc cắt tranh lợp mái sẽ được dân làng triển khai ngay khi mùa khô tới.
Phần kỹ thuật phục dựng Nhà Rông sẽ do các nghệ nhân làng Kon Klor đảm nhận. Ngoài ra có sự giúp sức của nghệ nhân và nhân công đến từ hai làng bạn Kon Rơ Vang và Kon Tum K’Pâng. Dự kiến thời gian kéo dài trong 5 tháng. Hiện, UBND phường Thắng Lợi đang tiếp tục vận động ủng hộ kinh phí khôi phục Nhà Rông.
Cây Sung cổ thụ đã hồi phục sau ảnh hưởng từ vụ cháy Nhà Rông
Nhà Rông Kon Klor trước đây được xây dựng từ năm 2000 với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó có hàng nghìn ngày công lao động của hơn 100 hộ dân tộc Ba Nar làng Kon Klor. Đáng tiếc vào chiều ngày 09/5/2010, ngôi Nhà Rông được xem là to đẹp nhất Tây Nguyên, nơi diễn ra các sự kiện văn hóa truyền thống lớn của tỉnh bị cháy hoàn toàn. Nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn là một học sinh./.
Tin, ảnh: Duy Anh