In bài viết

Phương tiện giao thông đang chịu phí chồng phí?

(Chinhphu.vn) – Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, có một số khoản phí tính thu theo phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, mỗi khoản thu phục vụ cho mục đích khác nhau và không có sự trùng lặp.

19/09/2019 09:02

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Bình Dương, hiện nay người dân phải nộp khá nhiều phí cho phương tiện tham gia giao thông như: Phí qua các trạm BOT, phí bảo trì đường bộ, phí cầu đường thông qua mua xăng dầu. Việc thu phí như trên được xem là phí chồng phí, không phù hợp.

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Tài chính giảm bớt việc thu các loại phí cho phương tiện giao thông như hiện nay.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cử tri tỉnh Bình Dương như sau:

Hiện nay, có một số khoản phí tính thu theo phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, mỗi khoản thu phục vụ cho mục đích khác nhau và không có sự trùng lặp, cụ thể:

Về phí, tiền sử dụng đường bộ: Chủ phương tiện (xe ô tô) sử dụng các đoạn đường bộ được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT thì phải trả tiền sử dụng đường bộ khi qua các Trạm thu phí BOT, để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

Chủ phương tiện phải nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, sử dụng cho bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý.

Cùng với chính sách thu phí nêu trên, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, bảo trì đường bộ.

Việc triển khai các chủ trương, chính sách này, trong những năm qua đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ, với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Bằng các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, đã đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường bộ, trong đó, có khoảng 700 km đường cao tốc (như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây...), các cầu quy mô lớn (như cầu cổ Chiên, cầu Rạch Miễu,...),... Do đó, năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, với hệ thống đường bộ dài (tổng chiều dài trên 279.925 km) và nhu cầu vốn cho hoạt động bảo trì rất lớn, hàng năm, ngoài số tiền phí sử dụng đường bộ thu được, ngân sách Nhà nước chi thêm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm thì số tiền chi cho bảo trì đường bộ mới đáp ứng khoảng trên 50% nhu cầu thực tế. Tỷ lệ này cũng đã tăng lên trong những năm gần đây.

Hiện nay, Nhà nước đang cố gắng huy động các nguồn lực để phát triển nhanh hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Về phí cầu đường thông qua mua xăng dầu: Luật Phí và lệ phí không quy định khoản phí cầu đường thông qua mua xăng dầu.

Xăng, dầu (sử dụng cho các mục đích, trong đó, có sử dụng cho phương tiện tham gia giao thông) thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010.

Chinhphu.vn