In bài viết

Quản chặt hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo

(Chinhphu.vn) – Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 30/2014/TT-BYT quy định về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo. Trong đó, quy định về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ và thủ tục cho phép tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện khám, chữa bệnh nhân đạo tại Việt Nam.

06/09/2014 17:21
Ảnh minh họa

Theo Thông tư, để được cho phép hoạt động, đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo trong nước, đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động (đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước) phải đáp ứng một số điều kiện bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất; nhân sự; trang thiết bị y tế và thuốc; phạm vi hoạt động chuyên môn…

Trong đó, về điều kiện nhân sự, Thông tư nêu rõ: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: 1- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh (chứng chỉ hành nghề) với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề phù hợp với danh mục kỹ thuật chuyên môn mà đoàn đã đăng ký và đã có thời gian hành nghề khám, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng. 2- Là lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp theo quy định nếu thực hiện khám, chữa bệnh nhân đạo bằng y học cổ truyền.

Các thành viên khác của đoàn trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề. Trường hợp thành viên trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh thì phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với phạm vi chuyên môn được phân công.

 

Sau khi xảy ra vụ việc 3 trẻ ở Khánh Hòa tử vong do tham gia đợt phẫu thuật miễn phí của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA), việc ban hành chính sách mới để siết chặt hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo là hết sức cần thiết. 

Trường hợp có thực hiện cấp phát thuốc thì người cấp phát thuốc phải có bằng cấp chuyên môn tối thiểu là dược tá hoặc bác sỹ có chứng chỉ hành nghề.

Về điều kiện trang thiết bị y tế và thuốc, theo Thông tư, đoàn phải có đủ trang thiết bị y tế, hộp thuốc chống choáng, thuốc cấp cứu và thuốc chữa bệnh phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký khám, chữa bệnh nhân đạo. Trang thiết bị phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thuốc sử dụng để khám, chữa bệnh nhân đạo phải thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và còn thời hạn sử dụng.

Thông tư nêu rõ, nếu đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh thì phải được cơ sở đó đồng ý bằng văn bản. Nếu đoàn thực hiện khám, chữa bệnh tại địa điểm khác ngoài cơ sở khám, chữa bệnh thì phải được UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện khám, chữa bệnh nhân đạo đồng ý bằng văn bản.

Theo Thông tư, khám, chữa bệnh nhân đạo là hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí hoàn toàn cho người bệnh. Thông tư này không áp dụng với cơ sở khám, chữa bệnh chữ thập đỏ tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh có thu tiền dịch vụ khám, chữa bệnh.

Tuệ Văn