Quân đội là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; phòng, chống và khắc phục thảm họa, thiên tai, sự cố, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu.
Thưa ông, xin ông cho biết vai trò, nhiệm vụ của Quân đội ta trong công tác phòng thủ dân sự, ứng phó với sự cố thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và cứu hộ, cứu nạn trong thời gian qua?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có chức năng, nhiệm vụ "sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước; thực hiện nghĩa vụ quốc tế" . Thực tế điều này đã được chứng minh trong 80 năm qua và nhất là hiện nay, nước ta đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Biến đổi khí hậu toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp làm gia tăng các loại hình thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm; quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra những sự cố, thảm họa…, tác động xấu đến hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường và sự an toàn của người dân.
Xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết đó, ngày 9/8/2004, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 109 thành lập Cục Cứu hộ - Cứu nạn là cơ quan chuyên trách tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chỉ đạo toàn quân trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Từ khi thành lập đến nay, Cục đã tham mưu xử lý khắc phục hơn 60.000 sự cố, thiên tai, dịch bệnh, điều động gần 5 triệu lượt người tham gia; trong đó, lực lượng Quân đội tham gia gần 4 triệu người (chiếm 81%); cứu được 74.499 người và 6.682 phương tiện, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Điển hình như: Ứng phó với bão Chan Chu xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung (5/2006); xử lý dầu tràn quy mô lớn trên phạm vi 20 tỉnh, thành phố ven biển (4/2007); tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ (10/2007); ứng phó với bão Hải Yến (10/2013); tìm kiếm máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia (3/2014); tìm kiếm, cứu nạn 12 công nhân trong vụ sập hầm Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng (12/2014); cứu hộ vụ cháy nhà máy Rạng Đông, thành phố Hà Nội (9/2019); ứng phó với lũ lụt, sạt lở đất lịch sử tại Thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 và tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (10/2020); cứu hộ vụ chìm cano du lịch tại Cửa Đại, Quảng Nam (7/2022) và tại Cù Lao Chàm (7/2024); ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi 9/2024).
Bên cạnh việc tham mưu xử lý các tình huống, sự cố, thiên tai, Cục Cứu hộ - Cứu nạn còn được giao chủ trì xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng thủ dân sự; xây dựng lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách, kiêm nhiệm; tham mưu đầu tư cơ sở vật chất trang bị và huấn luyện cho các lực lượng giúp nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống sự cố, thiên tai, thảm họa góp phần nâng cao năng lực phòng thủ dân sự quốc gia.
Ngoài ra, còn tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mở rộng hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự, nhất là với các nước có nền khoa học tiên tiến, các nước có chung đường biên giới trên biển và đất liền để chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo, đào tạo, huấn luyện, diễn tập và chuyển giao công nghệ. Tích cực tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa quốc tế, qua đó khẳng định vị thế của đất nước và vai trò Quân đội nhân dân Việt Nam. Đơn cử như đầu năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã trực tiếp chỉ huy Đoàn công tác của Quân đội tham gia giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả thảm họa động đất, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thông qua năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật giao Bộ Quốc phòng là cơ quan Thường trực về phòng thủ dân sự. Xin ông cho biết vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong ứng phó, khắc phục hậu qua cơn bão số 3 (bão YAGI) vừa qua?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Cơn bão số 3 (bão YAGI) vừa qua có cường độ rất mạnh, tâm bão đi qua tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng ngày 7/9/2024 với cường độ cấp 12-13, giật cấp 15-17. Sau bão, mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, ngập lụt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên.
Nhờ làm tốt việc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện Luật PTDS, nên khi cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta và sau bão là đợt mưa lũ lớn xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã vận hành thông suốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" huy động hiệu quả lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả do bão và mưa lũ sau bão gây ra.
Để chủ động ứng phó với bão, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chịu ảnh hưởng 3 duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử trí các tình huống. Cụ thể, đã duy trì 358.700 cán bộ, chiến sĩ (74.646 bộ đội, 284.054 dân quân tự vệ) và 5.320 phương tiện (3.412 ô tô; 313 xe đặc chủng; 1.589 tàu, xuồng và 6 máy bay) trực sẵn sàng làm nhiệm vụ; điều động, sử dụng 143.700 cán bộ, chiến sĩ (60.528 bộ đội, 83.172 dân quân tự vệ); 4.290 phương tiện (gồm 3.349 ô tô các loại, 33 xe thiết giáp BT152; 8 xe phun khử khuẩn, 5 xe lội nước, 34 máy xúc, 115 máy ủi; 742 tàu, xuồng, 4 máy bay trực thăng) và 13 chó nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng, sử dụng các biện pháp quyết liệt tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả.
Lực lượng quân đội đã cứu được 870 người, tìm kiếm được 225 thi thể, 7 phương tiện bàn giao cho địa phương; đồng thời, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sĩ, hỗ trợ gia đình quân nhân, dân quân tự vệ trực tiếp tham gia phòng, chống bão, nhất là các gia đình có người hy sinh. Trong đợt bão số 3 vừa rồi, Quân đội có 2 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo Binh chủng Công binh chủ trì, phối hợp với các đơn vị thi công làm đường, sửa bến vượt, lắp cầu phao bảo đảm giao thông thay thế cầu Phong Châu bị sập.
Xin ông cho biết những bài học thực tiễn quý báu về công tác cứu hộ, cứu nạn?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng trước tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, chúng tôi luôn tâm niệm rằng cần phải làm hết sức, hết mình. Thực tiễn làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự, phòng, chống và khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, chúng tôi rút ra được một số kinh nghiệm, đó là:
Phải thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phải kịp thời cụ thể hóa bằng nghị quyết, kế hoạch triển khai thực hiện; thường xuyên đổi mới phương thức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa và cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh đó, cần cân đối các nguồn lực để tổ chức lực lượng hợp lý, có trang bị phù hợp, có kỹ năng tốt để có thể ứng phó hiệu quả với các tình huống sự cố, thiên tai, thảm họa.
Song song đó, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, ban, ngành của Trung ương là một trong những yếu tố quyết định việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; Việc phối hợp phải chặt chẽ, phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo mới phát huy được thế mạnh của các lực lượng.
Ngoài ra, cần mở rộng hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự, nhất là với các nước có nền khoa học tiên tiến, các nước có chung đường biên giới trên biển và đất liền để chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo, đào tạo, huấn luyện, diễn tập và chuyển giao công nghệ; Tích cực tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa quốc tế, qua đó khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và thế giới, đặc biệt là câu chuyện biến đổi khí hậu đang diễn ra mà Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong thời gian tới, thưa ông?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong khi nguồn lực quốc gia còn hạn chế; những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán, nước biển dâng, dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra những sự cố, thảm họa, tác động xấu đến hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường và sự an toàn của con người.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về phòng thủ dân sự, Quốc hội ban hành Luật Phòng thủ dân sự, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia và nhiều đề án trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các tình huống, sự cố, thiên tai, thảm họa của các lực lượng, trong đó xác định lực lượng quân đội, dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt.
Tôi cho rằng thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, môi trường và tìm kiếm cứu nạn (phòng thủ dân sự).
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy điều hành, cụ thể là nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong toàn quân đối với nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Một nhiệm vụ quan trọng không kém, đó là xây dựng cơ quan và tổ chức lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách về phòng thủ dân sự bảo đảm về số lượng và chất lượng, phù hợp với từng vùng, miền, làm nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ.
Chúng tôi cũng không ngừng hoàn thiện nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Quốc phòng.
Cuối cùng, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự. Đẩy mạnh hợp tác với quân đội các nước, các tổ chức trong khu vực và quốc tế để chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo; kinh nghiệm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Xây dựng cơ chế, quy chế hợp tác, hỗ trợ trong các tình huống thảm họa, thiên tai, dịch bệnh xuyên biên giới…
Xin trân trọng cám ơn ông!
Anh Thơ (thực hiện)