Thưa ông, có mặt tại Australia nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm chính thức Australia và hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, ông nhận xét như thế nào về không khí đón nhận sự kiện này của cộng đồng người Việt ở Australia? Chương mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Australia sẽ có những tác động tích cực như thế nào tới đời sống, công việc, học tập của kiều bào?
Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng): Cộng đồng người Việt Nam tại Australia đông (khoảng 350.000 người, đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc người nước ngoài tại Australia; ngoài ra, còn khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập), cùng nhiều hội đoàn, đón nhận sự kiện này với một tâm thức rất vui và nồng nhiệt. Vì chúng tôi mong đợi điều này từ năm 2023. Khi có chương trình Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phái đoàn cấp cao của Nhà nước sang, tôi đã chủ động từ Việt Nam bay về Australia trước để cùng với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia tham gia một số chương trình đón tiếp Thủ tướng sao cho trang trọng, đầm ấm và hiệu quả.
Việt Nam và Australia nâng mức quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện là bước phát triển tự nhiên và phù hợp với tầm mức quan hệ giữa hai nước sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển, vì lợi ích và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới. Kết quả này cũng là bước phát triển vượt bậc và nét độc đáo, đặc sắc của "ngoại giao cây tre".
Kiều bào tại Australia rất tự hào và đánh giá rất cao các hoạt động của Thủ tướng tại Australia. Chuyến thăm đạt được nhiều kết quả thực chất, toàn diện, sâu sắc trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu nhân dân và các trụ cột của quan hệ: Kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học-công nghệ, viện trợ phát triển, giáo dục-đào tạo, quốc phòng, an ninh, gìn giữ hòa bình thế giới; quan hệ giữa các địa phương… mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên, như kinh tế xanh, kinh tế số, khai thác và chế biến sâu khoáng sản thiết yếu, hợp tác lao động, giáo dục-đào tạo… Đây cũng là điều kiện để kiều bào, nhất là cộng đồng doanh nhân, trí thức Việt Nam tại Australia hướng về Tổ quốc, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển hơn nữa các mối liên kết, hợp tác kinh tế, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước; đồng thời kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trong nước và ở các nước khác, nhất là ở Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…
Thương mại hai chiều Việt Nam-Australia năm 2023 đạt 13,8 tỷ USD, gấp đôi so với 10 năm trước. Cả hai nước đều nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn của nhau. Thưa ông, mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia với một trong những trọng tâm là thúc đẩy gắn kết kinh tế sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai bên như thế nào, trong những lĩnh vực nào? Ông đánh giá thế nào về khả năng hợp tác giữa hai nước trong sản xuất những mặt hàng chiến lược, quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu?
Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng): Một trong sáu điểm hơn trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đó là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn; thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn. Việc nâng cấp sẽ thúc đẩy gắn kết kinh tế, không chỉ đem lại lợi ích cho hai nước, mà còn cho hệ thống thương mại đa phương.
Gắn kết kinh tế giữa Việt Nam và Australia sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước. Việt Nam và Australia đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia có xu hướng gia tăng và Australia vẫn luôn là thị trường xuất siêu của Việt Nam. Các hiệp định trong lĩnh vực kinh tế-thương mại đã thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương không ngừng phát triển. Việt Nam và Australia đã ký nhiều hiệp định liên quan đến đầu tư, bảo hộ đầu tư, và tránh đánh thuế hai lần. Ngoài ra, quan hệ giữa hai nước còn phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực khác: Kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng, môi trường, khai thác và chế biến sâu khoáng sản thiết yếu, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hợp tác lao động, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp... tạo ra lợi ích chung và phát triển bền vững.
Mối quan hệ Việt Nam-Australia đang trở thành một mô hình kiểu mẫu trong quan hệ hợp tác chiến lược "cùng thắng" giữa hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau, giữa một cường quốc tầm trung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và một nước ngày càng có vai trò, vị thế ở Đông Nam Á, nhằm thúc đẩy lợi ích chiến lược thông qua hợp tác cả trên bình diện song phương và đa phương.
Cả Australia và Việt Nam đều cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 và đây là nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, bao gồm các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Việt Nam và Australia đã thiết lập mối quan hệ hợp tác ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng chiến lược. Vào tháng 11/2021, Australia và Việt Nam đã công bố Chiến lược nâng cao hợp tác kinh tế, nhằm mở rộng phát triển kinh doanh và tăng cường mối quan hệ giữa hai nền kinh tế. Điều này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp cả hai nước tham gia đầu tư, giao thương và đổi mới. Australia là một thị trường tiềm năng cho các lĩnh vực, như nông nghiệp, sản xuất hàng hoá, khai thác tài nguyên và năng lượng, cũng như cung cấp dịch vụ... Đây là cơ hội đầu tư, giao thương và đổi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Australia.
Australia và Việt Nam đã thiết lập các chính sách thương mại dựa trên FTA. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của cộng đồng người Australia gốc Việt. Tăng trưởng kinh tế và hợp tác song phương giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu. Các doanh nghiệp Australia cũng kỳ vọng hưởng lợi từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Việt Nam. Việt Nam và Australia có thể tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hợp tác kinh tế và đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu.
Trong thời gian sắp tới, hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng sẽ là một lĩnh vực được ưu tiên. Theo ông, điều này sẽ tạo động lực, cơ hội để doanh nghiệp Việt kiều Australia phát triển tại Australia như thế nào và thúc đẩy sự đầu tư của doanh nghiệp Việt kiều về Việt Nam ra sao? Ông có thể chia sẻ một số dự định, kế hoạch hay tín hiệu thể hiện mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, như năng lượng xanh, công nghệ bán dẫn… của doanh nhân Việt kiều Australia về Việt Nam?
Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng): Hai nước Việt Nam và Australia đã thiết lập Sáng kiến hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức nghiên cứu của cả hai nước trong các dự án nghiên cứu liên kết, đem lại lợi ích chung và thúc đẩy sự đa dạng, hòa nhập và bình đẳng trong lĩnh vực này. Sáng kiến này cung cấp nhiều khoản tài trợ hấp dẫn cho các ứng viên Australia và các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên, bao gồm sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển, kinh doanh thực phẩm và nông nghiệp, tái chế và quản lý chất thải, và các công nghệ khí thải thấp. Hợp tác này không chỉ tạo ra cơ hội thương mại và liên kết lâu dài giữa hai nước, mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ đổi mới thông qua hợp tác nghiên cứu. Việt Nam và Australia đã cam kết thực hiện kết nối các trường đại học hai nước, đặc biệt là trao đổi sinh viên và giảng viên, để thúc đẩy chương trình nghị sự và hệ thống đổi mới sáng tạo. Thông qua các sáng kiến, Việt Nam và Australia mong muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả khu vực và thế giới.
Doanh nhân Việt kiều Australia nói riêng và ở các nước phát triển nói chung rất mong có cơ hội đầu tư, hợp tác hoặc là cầu nối đưa các tập đoàn lớn của Australia cũng như các nước khác về Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, như năng lượng xanh, công nghệ bán dẫn… Tuy nhiên, đây là những lĩnh vực mới, rất mong Chính phủ và các cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện đột phá về cải cách các thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, làm việc, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn về giải quyết về thủ tục đầu tư, và có cơ chế ưu đãi đặc thù khi đầu tư vào các lĩnh vực có tính chiến lược cho sự phát triển đất nước..
Từ góc độ cá nhân, ông nghĩ như thế nào về thông điệp "từ trái tim đến trái tim" được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc tới trong các buổi hội kiến, làm việc? Trong bối cảnh thế giới xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, phải chăng sự tin cậy, chân thành, quan tâm tới lợi ích của nhau là điều quan trọng nhất để duy trì mối quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế thương mại, đầu tư… giữa các quốc gia?
Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng): Đây là một thông điệp rất đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong các buổi hội kiến, làm việc. Nó chạm tới trái tim của tất cả kiều bào và bạn bè quốc tế. Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam đã chia sẻ với báo chí: "Thủ tướng Phạm Minh Chính là một người ấm áp, chân thành và ông đã thu hút tất cả những người gặp mặt. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoạt động rất hiệu quả và dành rất nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề ưu tiên của Việt Nam. Có thể khẳng định chuyến thăm đã phản ánh mức độ chân thành và tình hữu nghị giữa hai nước, hy vọng nhiều cơ hội để hai nước gắn kết hơn sẽ được mở ra sau chuyến đi này". Hay trong các cuộc gặp, tiếp xúc với kiều bào, Thủ tướng luôn thể hiện sự gần gũi, chân thành và gần như không có khoảng cách với những người con xa Tổ quốc. Câu hỏi: "Bà con có ai có ý kiến gì nữa không?" được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong mỗi cuộc gặp đã khuyến khích kiều bào mạnh dạn nêu tâm tư, nguyện vọng, đề xuất được nhiều ý tưởng đến Thủ tướng và Chính phủ trong xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng và phát triển mối quan hệ Việt Nam với các nước trên thế giới lên tầm cao mới.
Thông điệp "từ trái tim đến trái tim" mà Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, chính là định hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là lấy sự chân thành làm cơ sở để thúc đẩy đối thoại, củng cố lòng tin vì các mối quan hệ bền vững, lâu dài. Việt Nam và Australia nâng mức quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện đã mở ra cho mối quan hệ gần gũi, tin cậy và thân thiết hơn giữa Việt Nam và Australia. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 7 nước (có 5 nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ) Đối tác Chiến lược toàn diện, 11 nước Đối tác Chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện… cho thấy sự thành công của chính sách đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là đường lối đối ngoại - ngoại giao cây tre đặc sắc.
Đúng như đánh giá của giới chức Australia sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam là quốc gia thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với hầu hết các nước, có một vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Đó là điều mà các quốc gia khác nên học hỏi từ Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông! Chúc ông luôn mạnh khỏe, ngày càng có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong xây dựng và phát triển mối quan hệ Việt Nam và Australia trong thời gian tới.
Hoàng Hạnh-Hoàng Tám