Nhận lời mời của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển từ ngày 26 - 28/5.
Nằm trên bán đảo Scandinavia, Thụy Điển là quốc gia có nền kinh tế tri thức hướng tới công nghệ cao và một hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện. Thụy Điển là một trong các quốc gia có mức sống cao nhất thế giới, GDP năm 2018 đạt 550 tỷ USD, tăng 2,4% so với năm 2017.
Thụy Điển là nước sớm và đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái sinh. Theo đánh giá của tổ chức Innovation Union Scoreboard năm 2013, Thụy Điển là nước đứng đầu về đổi mới sáng tạo.
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 11/1/1969), cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (tháng 8/1966). Khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, Thụy Điển tiếp tục là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản lý kinh tế, hành chính, luật pháp…
Năm 2019 là một năm đặc biệt, đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Thụy Điển. Năm 2019 càng trở nên đặc biệt hơn khi hai chuyến thăm cấp cao của hai nước được thực hiện chỉ cách nhau chưa đầy 3 tuần. Đó là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Điển cùng Bộ trưởng Thương mại, đông đảo doanh nghiệp Thụy Điển và chuyến thăm chính thức Thụy Điển sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ cùng hàng chục doanh nghiệp Việt Nam.
Trong suốt 50 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Thụy Điển đã tích cực trao đổi đoàn các cấp và lãnh đạo cấp cao hai nước có nhiều cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị, hội thảo quốc tế.
Cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế phát triển thì hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước cũng ngày càng tăng lên. Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến hết tháng 3/2019, Thụy Điển đứng thứ 33 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 67 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 364 triệu USD. Ngoài ra, Thụy Điển còn là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (bắt đầu từ năm 1967), tổng viện trợ hơn 3 tỷ USD.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Đoàn Thị Phương Dung cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp đã được Thủ tướng Olof Palme và đông đảo người dân Thụy Điển thuộc “thế hệ Việt Nam” gây dựng và được nhân dân hai nước dày công vun đắp trong suốt 50 năm qua. Với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp hai nước trong hai chuyến thăm, đây là những tín hiệu rất tích cực về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư trong tương lai giữa hai nước. Đáng chú ý, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm đầu tiên cấp Thủ tướng Việt Nam đến Thụy Điển sau 20 năm.
Đại sứ cho biết, thời gian qua, đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam đã tăng gấp 3 kể từ năm 2017 (đạt gần 370 triệu USD) và kim ngạch thương mại tăng trưởng đều đặn đạt khoảng 1,5 tỷ USD năm ngoái nhưng con số này còn khá khiêm tốn, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Đại sứ trông đợi sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết.
Còn theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg, năm 2019 thực sự là một năm tuyệt vời trong quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra chỉ hơn 2 tuần sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và đoàn doanh nghiệp Thụy Điển. Đây cũng là đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Thụy Điển từng đến Việt Nam.
Đại sứ Thụy Điển khẳng định, mục tiêu chính mà cả hai bên hướng tới trong tương lai là tiếp tục củng cố và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác truyền thống gần nửa thế kỷ Việt Nam - Thụy Điển.
Hợp tác kinh tế - thương mại, theo Đại sứ Pereric Hogberg, sẽ là trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác song phương. Thời gian gần đây, nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển đã đầu tư thành công tại Việt Nam như ABB, Volvo, Tetra Pak, Electrolux, H&M…
Đại sứ Pereric Hogberg kỳ vọng, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Thụy Điển sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thắt chặt hơn nữa “tình bạn nửa thế kỷ Việt Nam – Thụy Điển” như cách Đại sứ thường ví von: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề/ Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”.
An Bình (tổng hợp)