In bài viết

Quan hệ Việt-Nhật: Hình mẫu trong các mối quan hệ quốc tế

(Chinhphu.vn) - Từ khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản cuối năm 2012, chính sách mới của Nhật Bản là củng cố chặt chẽ hơn quan hệ với Đông Nam Á. Trong chính sách đó, Việt Nam có một vị trí quan trọng.

14/03/2014 08:13

Chỉ ít lâu sau ngày nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, vào đầu năm 2013, ông Shinzo Abe đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến khu vực Đông Nam Á mà chặng dừng đầu tiên là Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải chỉ với chính quyền của Thủ tướng Abe quan hệ hợp tác của Nhật  Bản với Việt Nam mới được coi trọng, mà trong suốt hơn 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, quan hệ Việt-Nhật luôn được các Chính phủ kế tiếp ở Nhật Bản xem là một ưu tiên.

Nhiều nhà phân tích Nhật Bản cho rằng quan hệ Việt-Nhật đang là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, là một hình mẫu trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Việc tiếp tục phát triển quan hệ chặt chẽ này là chủ trương nhất quán của Nhật Bản.

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được thiết lập ngày 21/9/1973 và không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ trong 40 năm qua. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản được chính thức xác lập từ năm 2009 đến nay, ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam nhiều năm qua và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Ðến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân), là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt hơn 25 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; hai bên phấn đấu tăng gấp 2 lần mức trao đổi thương mại vào năm 2020. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999.

Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như ngoại giao, an ninh, quốc phòng, đầu tư, khoa học, công nghệ, lao động, du lịch, giáo dục-đào tạo, văn hóa, thông tin, lãnh sự... cũng ngày càng thu được những thành quả đáng khích lệ. Hợp tác giữa các địa phương của hai nước những năm gần đây được thúc đẩy mạnh mẽ. Hai bên tích cực khai thác thế mạnh của nhau, hỗ trợ nhau trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi.

Không chỉ hỗ trợ nguồn lực, Nhật Bản còn đồng hành với Việt Nam trong xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Việc hai nước cùng triển khai Sáng kiến chung Việt-Nhật, hiện đã bước sang giai đoạn 5, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là ví dụ điển hình. Mới đây nhất, Nhật Bản lại tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Về đầu tư, Nhật Bản là một trong những nguồn đầu tư bên ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Riêng năm 2013, đầu tư của Nhật Bản cam kết vào Việt Nam lên tới hơn 5,6 tỷ USD - một con số ấn tượng.

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế. Từ năm 1992 đến năm 2011, Nhật Bản đã cam kết gần 20 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam. Trước tiên, nguồn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam tập trung vào mục tiêu giúp Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa-hiện đại hóa vào năm 2020. Việt Nam đã xác định 3 lĩnh vực trọng tâm để đạt mục tiêu gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và xử lý, tái cơ cấu các công ty Nhà nước. Nhật Bản đã xác định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong cả 3 lĩnh vực này.

Ngoài 3 lĩnh vực trên, ODA của Nhật Bản còn dành hỗ trợ những khó khăn của Việt Nam trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, chịu nhiều bão, lũ...). Nhật Bản cũng hỗ trợ xây dựng trường học, trạm y tế, những công trình xã hội... tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Việt Nam.  

Về hợp tác văn hóa-giáo dục, Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hợp tác và hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long vào năm 2004, sau khi cựu Thủ tướng Koizumi đến thăm và đánh giá cao giá trị của di tích này. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long đã được thành lập. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã cử nhiều chuyên gia về khảo cổ học sang Việt Nam cùng điều tra, khai quật và nghiên cứu.

Ngoài ra, hai bên đã cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức lễ hội tại mỗi nước. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã được tổ chức thường niên từ năm 2008; Đại nhạc hội Việt Nam-Nhật Bản tổ chức vào các năm 2008 và 2010. Hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản trong năm 2013.

Về giáo dục-đào tạo, quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển dưới nhiều hình thức, bao gồm hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các trường học, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân. Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành Giáo dục-Đào tạo Việt Nam.

Về hợp tác lao động, Nhật Bản là một thị trường tiềm năng cho lao động Việt Nam. Việt Nam đã cử hàng chục nghìn tu nghiệp sinh sang Nhật Bản học nghề và thực tập kỹ thuật trong các lĩnh vực như điện tử, gia công cơ khí, may công nghiệp, chế biến thuỷ sản, hải sản, nông sản. Trong những năm gần đây, Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường thu hút số lượng lớn tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam sang làm việc.

Hợp tác địa phương hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án hợp tác giữa các địa phương hai bên đã được thực hiện hiệu quả như tỉnh Osaka hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh triển khai thí điểm dự án về nước sạch, môi trường; tỉnh Fukuoka hỗ trợ thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn và ô nhiễm nguồn nước; thành phố Kitakyushu hỗ trợ thành phố Hải Phòng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, hợp tác phát triển cảng biển.

Năm 2014 và những năm tiếp theo, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển. Đặc biệt, chúng ta đang chờ đón chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Nhật Bản. Qua chuyến thăm này, quan hệ hai nước sẽ được tăng cường và mức độ tin cậy lẫn nhau sẽ cao hơn. Từ đó, mở ra khả năng hợp tác cả về chiều rộng lẫn chiều sâu giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.

                                                                   Nguyễn Chiến