Theo dự thảo, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ sau khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Không cho thuê, mượn, chuyển nhượng hoặc sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
Khi thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh và người đại diện theo pháp luật phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan Công an có thẩm quyền. Phải đăng ký lý lịch nhân viên với Công an phường, xã, thị trấn.
Thông báo Công an phường trước khi đòi nợ
Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền: Danh sách và thông tin có liên quan đến người làm trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ (kể cả người nước ngoài); thống kê các phương tiện phục vụ cho công tác thu hồi nợ; thông tin liên lạc tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi có yêu cầu.
Đồng thời, phải thông báo bằng văn bản cho Công an phường sở tại nơi thực hiện hợp đồng đòi nợ biết trước khi thực hiện. Có văn bản thông báo về thời gian hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh cho cơ quan Công an có thẩm quyền.
Theo Nghị định số 104/2007/NĐ-CP, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ được quy định như sau: 1. Người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 6 tháng trở lên. 2. Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. 3. Có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. 4. Không có tiền án. |
Dự thảo nhấn mạnh, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải chấp hành việc kiểm tra, hướng dẫn của của cơ quan Công an có thẩm quyền.
Người đòi nợ phải mặc đồng phục
Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp trang phục cho người lao động có đủ tiêu chuẩn thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP. Trong trường hợp kết thúc hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp cho người lao động.
Đối với người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ, dự thảo nêu rõ, ngoài các quy định tại Điều 10 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP, những người không mặc trang phục, không đeo thẻ nhân viên theo quy định, không có giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì không được làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Theo dự thảo các hành vi không cấp trang phục cho người được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ; nhân viên được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ không mặc trang phục khi làm việc trực tiếp với khách nợ, chủ nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác có liên quan sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP.
Dự thảo cũng nêu rõ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan công an và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Được biết, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ ở Việt Nam đang ngày một nhiều, thời kỳ đầu tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Những năm gần đây được thành lập rải rác ở khắp các tỉnh thành khác nhau trên toàn quốc như Đồng Nai, Khánh Hòa, Hải Dương, Hải Phòng... Các công ty này đặc biệt “nở rộ” trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây khi tình hình nợ xấu của các doanh nghiệp ngày càng nhiều, nợ khó đòi gia tăng. Vì vậy, văn bản hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ phù hợp với tình hình hiện nay sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý có hiệu quả hơn hoạt động này. |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.