|
Việc thực hiện Dự án Hoàn thiện và Hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trong 3 năm qua đã giúp chúng ta đổi mới cách nhìn từ chú trọng công tác quản lý sang thực hiện đồng bộ giữa quản lý Nhà nước với thực hiện quyền của người sử dụng đất, đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo, phụ nữ nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thúc đẩy đo đạc bản đồ địa chínhvà cấp Giấy Chứng nhận
Theo báo cáo 3 năm của Dự án VLAP, tiến độ đo đạcbản đồ địa chính và cấp Giấy Chứng nhận ở 9 tỉnh thực hiện dự án được đẩy mạnh. Cho đến nay, dự án đã hoàn thành công tác khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính cho gần 400.000 ha đất. Đã lồng ghép việc đo đạc chi tiết đồng thời với việc thu thập thông tin và chuẩn bị hồ sơ đăng ký cho hơn 1,4 triệu thửa đất. Trong số gần 1,2 triệu hồ sơ thửa đất đã được xét duyệt, có 1,06 triệu hồ sơ đạt đủ điều kiện cấp Giấy Chứng nhận. Đã trao cho người dân 408.035 Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất trong tổng số và 712.760 Giấy Chứng nhận đã được in.
Trong tổng số hồ sơ đăng ký đất đai đã được lập thì 19% cấp mới và 81% cấp đổi, 80,4% có biến động. Điều này cho thấy dự án phải chuẩn hóa và cập nhật nhiều nội dung để hoàn thiện hồ sơ, thậm chí có trường hợp đã cấp Giấy Chứng nhận song người sử dụng đất đã tự ý chia thửa…
Để tăng cường tính minh bạch cũng như tạo nền tảng cho một hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, dự án đã xây dựng dựng và ban hành chuẩn dữ liệu địa chính và các chuẩn cung cấp dịch vụ quản lý đất đai thống nhất với Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế.
Nhiều văn bản pháp luật ra đời nhằm hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, quy chuẩn hóa việc đo đạc và cấp Giấy Chứng nhận, như Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất; Thông tư 17/2009/TT-BTNMT hướng dẫn thực hiện Nghị định 88; Sổ tay hướng dẫn thực hiện chuẩn dịch vụ về đăng ký và cung cấp thông tin đất đai, tài sản gắn liền với đất; sửa đổi, bổ sung quy phạm đo vẽ lập bản đồ địa chính…
Điểm nhấn đáng ghi nhận sau 3 năm VLAP triển khai đó là, đã từng bước xây dựng mô hình điểm về cơ sở dữ liệu địa chính tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh và 3 huyện của tỉnh Vĩnh Long. Hiện 3 Văn phòng này đang thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống thông tin đất đai.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá, những mô hình điểm từ dự án VLAP sẽ là cơ sở hình thành cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nhằm hiện đại hóa hệ thống đất đai, tăng cường công tác quản lý, tăng tính minh bạch thông tin về đất đai, chống tham nhũng, tạo cho thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh…
Người dân chủ động trong đăng ký đất đai
Để đánh giá hiệu quảdự án sau 3 năm, từ tháng 9 đến tháng 11/2011, đơn vị tư vấn độc lập đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu vùng thực hiện VLAP và đối chứng với vùng không có dự án VLAP. Kết quả nổi bật cho thấy, người sử dụng đất, hộ gia đình tin tưởng rõ rệt vào công tác quản lý đất đai. Người dân trong vùng dự án VLAP đánh giá cao ở các mặt: Thủ tục rõ, yêu cầu rõ ràng, biết rõ quy trình thực hiện đo đạc, đăng ký…; được giải thích rõ trong từng bước thực hiện, biết người chịu trách nhiệm trong từng khâu…
Tuy nhiên, vấn đề cần được cải thiện trong thời gian tới để tăng chỉ số niềm tin của người dân là, cần đảm bảo cho người dân về tính chắc chắn được cấp Giấy Chứng nhận, giải thích về hệ thống khiếu nại đất đai, giúp người dân sẵn sàng tham gia, góp ý kiến…
"Nhiều người dân trong vùng dự án VLAP cho biết, nếu không có dự án có thể họ sẽ không đăng ký làm "sổ đỏ", làm "sổ đỏ" để bảo đảm an toàn cho tài sản đất đai và quyền thừa kế. Như vậy, người dân đã chủ động hơn trong việc đăng ký cấp Giấy Chứng nhận", chuyên gia tư vấn độc lập nhận xét.
Một nỗ lực đáng ghi nhận là dự án "bám dân" để nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, nhằm xây dựng lòng tin của công chúng vào hệ thống quản lý đất đai hiện đại. Việc truyền thông có kế hoạch chi tiết, chú ý tới các truyền thống xã hội, phong tục tập quán, tuyên truyền cho người dân hiểu vai trò của Giấy Chứng nhận mang tên cả vợ và chồng…Dự án cũng đã lập Khung dân tộc thiểu số và kế hoạch hành động dân tộc thiểu số tại 4 tỉnh: Vĩnh Long, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Bình Định.
Trong số các bài học rút ra từ dự án, việc tăng cường thông tin và các hoạt động cộng đồng được xem là đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền của người sử dụng đất.
Tái cấu trúc để tăng hiệu quả đầu tư
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Lê Văn Lịch, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VLAP cấp Trung ương nhấn mạnh, việc tái cấu trúc dự án trong 2 năm tới là yêu cầu cần thiết để tăng hiệu quả đầu tư, nhất là khi mới đây, VLAP nhận thêm nguồn tài trợ từ Chương trình viện trợ của New Zeland.
Việc tái cấu trúc nhằm vào thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai qua việc phát triển một hệ thống đất đai hoàn thiện ở các tỉnh được lựa chọn. Theo đó, việc tái cấu trúc sẽ phải tập trung vào tích hợp toàn bộ các sản phẩm đã có để đưa vào vận hành, khai thác và quản lý thường xuyên, tránh tình trạng sản phẩm bị lỗi thời, không phản ánh đúng hiện trạng, không kịp thời cập nhật và chỉnh lý. Đồng thời cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Việc quan trọng nữa là thiết kế mô hình cấu trúc cơ sở dữ liệu địa chính thống nhất từ Trung ương đến địa phương và thống nhất phương thức chia sẻ thông tin giữa các đối tượng…
- Dự án VLAP được thực hiện từ năm 2008 đến 2013 do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng kinh phí khoảng 100 triệu USD. Dự án thực hiện ở 9 tỉnh thuộc 3 miền cả nước là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Hà Nội, Hưng Yên và Thái Bình. Từ năm 2012, dự án có thêm nguồn tài trợ 5 triệu USD từ Chương trình viện trợ của New Zeland tập trung tăng cường năng lực, đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng. - Trong hai năm còn lại của Dự án, mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để xây dựng hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, cải thiện tính sẵn có và dễ tiếp nhận của thông tin; thiết lập Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia Việt Nam, hỗ trợ Chương trình và Chính sách Chiến lược dài hạn của Chính phủ; xây dựng mô hình văn phòng đất đai tập trung vào cung cấp dịch vụ theo chuẩn |
Bảo Châu