Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt là, với một nền kinh tế hội nhập sâu, có độ mở cao, tình hình đứt gãy các chuỗi thương mại quốc tế do dịch bệnh gây ra tác động mạnh tới hoạt động kinh tế, tài chính trong nước. Tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, đời sống của một bộ phận nhân dân lao động gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính trong năm 2021 được thực hiện đồng bộ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Vì vậy, từ cuối quý III/2021, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô cả năm được đánh giá ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh, quốc phòng được giữ vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu các số liệu cụ thể về về quyết toán thu NSNN năm 2021.
Cụ thể, dự toán thu NSNN 1.358.084 tỷ đồng; quyết toán 1.591.411 tỷ đồng, tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán, tỉ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP.
Về quyết toán chi NSNN : Dự toán chi là 1.701.713 tỷ đồng; quyết toán 1.708.088 tỷ đồng, tăng 6.375 tỷ đồng (0,4%) so với dự toán; trong đó quyết toán chi NSTW là 640.914 tỷ đồng, bằng 91% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương là 1.067.174 tỷ đồng, bằng 107% so với dự toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, quản lý, điều hành chi NSNN năm 2021, chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Trong đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện các giải pháp đã đề ra; thực hiện chi ngân sách bám sát mục tiêu, dự toán được giao; rà soát, cắt giảm mạnh các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai, tập trung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch (cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết).
Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2021 như sau:
- Tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng, trong đó số thu NSNN theo dự toán là 1.591.411 tỷ đồng, thu chuyển nguồn năm 2020 sang năm 2021 là 643.406 tỷ đồng, thu từ kết dư năm 2020 là 140.410 tỷ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN là 12.679 tỷ đồng.
- Tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.491 tỷ đồng, trong đó chi NSNN theo dự toán là 1.708.088 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2022 là 776.403 tỷ đồng.
- Bội chi NSNN 214.105 tỷ đồng, bao gồm: Bội chi ngân sách Trung ương là 211.702 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 2.403 tỷ đồng.
Nguyễn Hoàng