In bài viết

Quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường

(Chinhphu.vn) - Quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc khi lưu hành thuốc trên thị trường...

20/04/2015 15:22

Ảnh minh họa

Đây là nguyên tắc quản lý giá thuốc mà Bộ Y tế đề xuất tại dự thảo Luật dược (sửa đổi).

Bộ Y tế cho biết, giá thuốc ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài với hơn 50% giá trị thuốc thành phẩm và trên 90% nguyên liệu sản xuất thuốc nhập khẩu.

Về cơ sở xác định giá thuốc, Luật dược hiện hành quy định việc kê khai và kê khai lại giá thuốc phải “bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ quy định “Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và các Bộ, ngành liên quan công bố cụ thể danh sách các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam”. Tuy nhiên, cho đến nay liên bộ vẫn chưa ban hành được danh sách này do khó khăn trong việc xác định điều kiện y tế, thương mại của các nước tương tự Việt Nam.

Bên cạnh đó, quy định “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả” (điểm d khoản 2 Điều 5 Luật dược) chưa thực hiện được do số lượng thuốc sản xuất lưu hành tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với trên 1.500 hoạt chất. Mỗi hoạt chất có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng nêu trên là không khả thi. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc xác định cơ sở xây dựng giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả vì nếu công bố giá tối đa theo giá mặt hàng thuốc thấp nhất thì sẽ không bảo đảm có đủ thuốc cung ứng, nếu công bố giá tối đa theo giá mặt hàng thuốc cao nhất thì giá thuốc sẽ tăng theo.

Ngoài ra, việc Luật dược 2005 chỉ giao một Bộ (Bộ Y tế) làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc làm cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Y tế đã đề xuất 1 chương quy định về quản lý giá thuốc. Trong đó, Bộ đưa ra 6 biện pháp quản lý giá thuốc như sau: 1- Đấu thầu theo quy định tại Luật đấu thầu đối với thuốc mua từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế nhà nước; 2- Kê khai giá đối với thuốc của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thuốc thuộc Danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và thuốc mua từ nguồn ngân sách nhà nước trước khi lưu hành trên thị trường; 3- Đàm phán giá đối với thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất; biệt dược, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác; 4- Thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc theo quy định của Luật giá đối với thuốc thuộc Danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và thuốc mua từ nguồn ngân sách nhà nước khi có biến động bất thường về giá hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội; 5- Đặt hàng hoặc giao kế hoạch đối với các thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, thuốc phòng chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và thuốc dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; 6- Niêm yết giá thuốc tại cơ sở mua, bán thuốc.

Bên cạnh đó, tại dự thảo, Bộ Y tế cũng đề xuất rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc của Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn