In bài viết

Quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài

(Chinhphu.vn) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

26/02/2016 11:29

Ảnh minh họa

Về việc mở tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, căn cứ cơ sở pháp lý tại Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi và Nghị định 83/2015/NĐ-CP, dự thảo Thông tư đề xuất nguyên tắc về việc: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ tại 1 tổ chức tín dụng (TCTD) được phép và thực hiện đăng ký với NHNN hoặc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo quy định.

Hiện nay, các giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của TCTD được phép hoạt động ngoại hối được thực hiện theo quy định tại Thông tư 15/2015/TT-NHNN ngày 2/10/2015 của NHNN, theo đó quy định: Tổ chức tín dụng được phép thực hiện giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn (trừ giao dịch mua quyền chọn) với tổ chức kinh tế (khoản 2 Điều 4). Theo quy định này, nhà đầu tư có thể chủ động trong lựa chọn loại ngoại tệ cần thiết để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài (đáp ứng yêu cầu về loại ngoại tệ để triển khai thực hiện dự án) thông qua việc việc mua bán, chuyển đổi ngoại tệ với TCTD được phép. Do vậy, quy định về việc nhà đầu tư chỉ được mở 1 tài khoản tại 1 TCTD được phép không gây vướng mắc khó khăn cho nhà đầu tư trong việc chuyển vốn đầu tư bằng ngoại tệ ra nước ngoài.

Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh trường hợp theo yêu cầu của nước tiếp nhận đầu tư hoặc quy định về điều khoản thanh toán tại Hợp đồng thầu để thực hiện dự án đầu tư tại nước ngoài, nhà đầu tư phải chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng 2 loại ngoại tệ khác nhau tại cùng một thời điểm; thực tế này yêu cầu nhà đầu tư phải mở 2 tài khoản bằng 2 loại ngoại tệ khác nhau tại cùng 1 TCTD được phép để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Do vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các trường hợp đặc biệt, dự thảo Thông tư đề xuất bổ sung quy định về việc: Trường hợp nhà đầu tư mở thêm 1 tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ khác với loại ngoại tệ đã mở trước đây để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo yêu cầu của bên nước ngoài, nhà đầu tư phải được Thống đốc NHNN xem xét, chấp thuận.

Cụ thể, dự thảo đề xuất nguyên tắc mở tài khoản vốn đầu tư như sau: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ tại 1 tổ chức tín dụng được phép và thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo quy định.

Trường hợp thuộc đối tượng được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài bằng đồng Việt Nam, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 1 tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam tại 1 tổ chức tín dụng được phép và thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố theo quy định.

Dự thảo nêu rõ, mọi giao dịch chuyển vốn từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư. Nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt cho từng dự án tại cùng một tổ chức tín dụng được phép hoặc tại các tổ chức tín dụng được phép khác nhau.

Trường hợp dự án đầu tư ở nước ngoài có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt tại cùng một tổ chức tín dụng được phép để chuyển vốn ra nước ngoài trong phạm vi giá trị vốn theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trường hợp nhà đầu tư mở thêm 1 tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ khác với loại ngoại tệ đã mở trước đây để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo yêu cầu của bên nước ngoài, nhà đầu tư phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận.

Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký GD ngoại hối liên quan đến HĐ đầu tư ra nước ngoài

Theo dự thảo, nhà đầu tư phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

Khi thực hiện đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư là tổ chức có trụ sở chính, nơi nhà đầu tư là cá nhân đăng ký thường trú theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét hồ sơ, trường hợp cần thêm thông tin để có cơ sở xem xét việc đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản yêu cầu nhà đầu tư bổ sung tài liệu, thông tin cần thiết trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của nhà đầu tư.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài để làm cơ sở cho nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài thông qua tài khoản vốn đầu tư đã mở tại tổ chức tín dụng được phép. Trường hợp từ chối xác nhận đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan này.

Tuệ Văn