In bài viết

Quản lý thức ăn đường phố: Khó thực hiện nhưng phải làm

(Chinhphu.vn) - Thông tư 30/2012/TT-BYT quy định về thức ăn đường phố có hiệu lực từ ngày 20/1/2013 đang được dư luận quan tâm. Đây thực sự là “cuộc chiến” đòi hỏi sự đồng lòng, trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền, người tham gia kinh doanh, người tiêu dùng.

22/01/2013 18:45

Một câu hỏi đang được đặt ra là hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay bất cứ một địa phương nào đều có hàng ngàn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, các gánh hàng rong bán thức ăn chín… Lực lượng nào sẽ đi kiểm tra trên thực tế khi Thông tư này được áp dụng?

Chưa kể, cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định người kinh doanh thức ăn đường phố phải tập huấn về an toàn thực phẩm (ATTP), khám sức khỏe và có chứng nhận sức khỏe của cơ quan chức năng cấp xem ra khó khả thi?

Việc bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố thực sự là “cuộc chiến” đòi hỏi sự đồng lòng, trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền, người tham gia kinh doanh, người tiêu dùng - Ảnh minh họa

Sẽ tạo chuyển biến tích cực nếu quyết tâm thực hiện

Chia sẻ với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về một số băn khoăn của dư luận, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng việc bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố thực sự là “cuộc chiến” đòi hỏi sự đồng lòng, trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền, người tham gia kinh doanh, người tiêu dùng.

“Hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên cả nước không thể đồng loạt hoàn thành các yêu cầu ngay, nhưng chính quyền các địa phương quan tâm thì chắc chắn có biến chuyển, vấn đề là có quyết tâm làm hay không”, ông Trung nhấn mạnh.

Theo ông Trung, việc quy định chi tiết các tiêu chí bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố chỉ đưa ra những yêu cầu tối thiểu, cơ bản nhằm giúp người kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện trách nhiệm công khai - minh bạch trong hoạt động kinh doanh của mình.

Đây là điều kiện để nâng cao chất lượng, an toàn thức ăn phục vụ cho cộng đồng, phòng ngừa những sự cố ATTP do mình gây ra, đồng thời thực hiện quyền lợi của người tiêu dùng trong việc mua thực phẩm.

Về việc cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, Giấy khám sức khỏe, ông Trung cho biết, theo quy định hiện nay việc khám và cấp giấy xác nhận sức khỏe là thẩm quyền của cơ sở y tế từ cấp quận huyện và tương đương trở lên thực hiện. Việc tập huấn và cấp giấy xác nhận tập huấn về ATTP do cơ quan y tế từ cấp quận huyện trở lên thực hiện.

Người kinh doanh thức ăn đường phố có thể đến các cơ quan chức năng thuộc UBND các xã, phường để đăng ký và liên hệ để các cơ quan chức năng tuyến quận huyện hỗ trợ các dịch vụ theo hợp đồng trách nhiệm.

Ông Trung cũng cho biết thêm, theo quy định hiện hành, UBND các cấp có trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố  trên địa bàn là nhiệm vụ của UBND các cấp, của cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý.

Hành vi vi phạm, mức xử phạt đã được quy định cụ thể trong Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ.

Cần bổ sung, làm rõ một số quy định

Chia sẻ quan điểm về các quy định tại Thông tư 30 này, ông Vũ Trọng Thiện, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh – Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cố định thì có thể thực hiện được, nhưng đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vấn đề sẽ phức tạp hơn rất nhiều”.

Tuy nhiên ông Thiện cũng đồng tình “quản lý dịch vụ thức ăn đường phố một cách hiệu quả cho dù là rất khó, nhưng cũng phải có quy định chứ không thể để loại hình này tự phát được”.

Còn theo ý kiến của PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đối với các tiêu chí nêu ra trong Thông tư, cần thiết phải chia ra các tiêu chí cụ thể về các loại hình thức ăn đường phố cố định, thức ăn đường phố bán rong.

Đồng thời làm rõ một số nội dung như “thế nào là nước chế biến đơn giản? Trang phục của người bán hàng như thế nào được coi là gọn gàng, sạch sẽ?...”

Cho rằng cần thiết phải có quy định về tập huấn, song theo PGS. TS Trần Đáng, “Tập huấn cho ai? Tập huấn cái gì? Hình thức ra sao?...” cần phải được bổ sung và làm rõ.

Đối với các địa phương, theo ông Vũ Trọng Thiện, nên có quy định tuyến phố nào được phép bán rong thực phẩm để đảm bảo thuận tiện cho người tiêu dùng và người kinh doanh.

Đồng thời, cần tăng thêm nhân lực cho y tế xã, phường để tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đảm bảo người kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố phải được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Việc quản lý các loại hình thức ăn đường phố phải do UBND các cấp, tùy theo quy mô mà quy định do UBND xã, phường, huyện quản lý. Vì thức ăn đường phố liên quan đến cả giao thông, nhà cửa, cơ sở hạ tầng ... phải do chính quyền quản lý mới thành công. Nếu ở lễ hội do Ban quản lý lễ hội, ở chợ, siêu thị do Ban quản lý chợ, siêu thị ... kinh nghiệm ở các nước cũng như vậy”, PGS. TS Đáng góp ý.

Đẩy mạnh truyền thông

Cũng bởi khó trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra do thiếu nhân lực, trang thiết bị, khó kiểm soát vì sự đa dạng, cơ động, tạm thời... nên theo ông Vũ Trọng Thiện, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh – Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, nên chăng trước mắt chọn lựa một số qui định thiết yếu nhất để thực hiện trước. Ngoài ra nên thí điểm tại một vài nơi trước, lúc đầu có thể tập trung vào một số khu vực đô thị lớn và tùy theo tình hình thực tế của địa phương mà triển khai chứ không nên nhất loạt thực hiện đồng bộ trong cả nước có hiệu lực từ ngày 20/1/2013.

“Sau một thời gian triển khai sẽ đánh giá lại, nếu thấy quản lý được sẽ tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu kiểm tra khác và nhân rộng. Trước mắt nếu vi phạm chưa xử lý mà chỉ nhắc nhở, giáo dục nhưng phải thường xuyên giám sát.  Nếu tái phạm 2-3 lần sẽ xử phạt”, ông Thiện đóng góp ý kiến.

Kiểm tra điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm đã trở thành một việc làm thường xuyên trên địa bàn phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, nên khi nhắc đến Thông tư 30/2012/TT-BYT, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND phường cho rằng, đây là một quy định cần thiết và kịp thời.

“Chúng tôi đã triển khai việc tập huấn với hộ kinh doanh và tại khu dân cư. Thường xuyên quán triệt và tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Việc làm này đã tạo ra được chuyển biến tích cực. Do vậy, tôi cho rằng, đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông vẫn là một biện pháp thiết thực và không hề cũ”, ông Ngọc Anh chia sẻ quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân, cán bộ chuyên trách vệ sinh ATTP phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội thì chia sẻ, các năm trước phường cũng đã tiến hành tập huấn, cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP cho các cơ sở kinh doanh, đồng thời có tuyên truyền cho các hộ kinh doanh về tính cần thiết và quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh trong chế biến thức ăn.

Nga Hoa – Thanh Hoài

Tin liên quan:

 Quy định mới về thức ăn đường phố: Có khó thực hiện?

Hà Nội triển khai quy định mới về thức ăn đường phố

Hàng quán trước ngày áp dụng quy định mới về thức ăn đường phố

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm với thức ăn đường phố