In bài viết

Quần thể Di tích Cố đô Huế - 20 năm nhìn lại

(Chinhphu.vn) - Sáng 21/9, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với UBQG UNESCO và Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo nhìn lại chặng đường 20 năm qua và hướng đến tương lai của Di sản Huế.

21/09/2013 19:47

Hội thảo nhìn lại chặng đường 20 năm qua và hướng đến tương lai của Di sản Huế. Ảnh: VGP/Thế Phong
Quần thể Di tích Cố đô Huế vinh dự là di sản đầu tiên của nước ta được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Hồi sinh diện mạo Quần thể di tích

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết năm 1993 khi Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận với 17 cụm di tích thì một vấn đề lớn đặt ra là làm sao phải có một chiến lược mang tầm quốc gia để bảo tồn các di sản này đang ở tình trạng lâm nguy do sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai và cả ý thức của con người.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng với các sở, ngành đã xây dựng đề án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996-2010 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1996.

Từ đó, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế được triển khai và đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, diện mạo quần thể Di tích Huế từng bước được hồi sinh. Tổng kinh phí trùng tu, tôn tạo Di tích Huế giai đoạn 1996-2013 là hơn 786 tỷ đồng.

Đã có hơn 30 công trình có quy mô lớn từ Đại Nội đến thành quách, lăng tẩm và hạ tầng kỹ thuật đã được tu bổ. Trong đó có không ít công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả phát triển KT-XH như: Nhà hát Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường, Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, các công trình hạ tầng tại khu vực Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, điện chiếu sáng các lăng.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn, tu bổ  các công trình cảnh quan của Cố đô Huế cũng được triển khai như tu bổ Hộ Thành Hòa, nạo vét sông Ngự Hà, di dời 500 hộ dân sống ở  các khu vực di tích…

Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Kết quả đó đã góp phần phát triển ngành du lịch Huế, riêng doanh thu trực tiếp từ các khu di tích năm 1996-2012 đạt gần 825 tỷ đồng, doanh thu từ dịch vụ đạt hơn 50 tỷ đồng. Nguồn doanh thu này đã góp phần tái thiết đầu tư cho hoạt động bảo tồn và cải thiện đời sống cho hơn 700 cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế.

Để giá trị của di sản được bền vững

Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), đánh giá việc triển khai các dự án tu bổ những công trình di tích Huế được thực hiện đảm bảo quy trình, đáp ứng các nguyên tắc khoa học về bảo tồn di tích. Các chuyên gia UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế đã tham gia giám sát hoặc kiểm tra các dự án này đều có những đánh giá tích cực.

Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, công tác bảo tồn Di sản văn hóa Huế còn một số vấn đề cần tiếp tục giải quyết do tác động của thiên nhiên và con người cũng như tính phức tạp trong bảo tồn Di tích Huế. Và quan trọng là bài toán giữa bảo tồn và phát triển, đây là vấn đề chung tại nhiều quốc gia.

Ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại UNESCO, cho rằng việc bảo tồn Di tích Huế không chỉ bảo tồn hình ảnh Huế mà còn là con đường bền vững để phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân. Cần tăng cường nâng cao nhận thức trong mỗi người dân, mỗi du khách cùng chung tay gìn giữ và bảo vệ Di sản Huế.

Theo ông Phong, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể Di sản Huế giai đoạn 2010-2020 có tổng mức đầu tư lên tới 1.284 tỷ đồng đã được Thủ tướng phê duyệt, Huế cần xây dựng quy hoạch chi tiết cho từng khu vực, coi đây là sở pháp lý để xây dựng thể chế bảo vệ di sản, đây cũng chính là phương án giữa bảo tồn và phát triển.

Bên cạnh đó, cần gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích Cố đô Huế với Nhã nhạc cung đình Huế. Sự kết hợp giữa hai Di sản văn hóa này sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp trong bảo tồn và nâng cao giá trị di sản.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các vấn đề được kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới khuyến nghị, nghiêm chỉnh tuân thủ Luật Di sản của Việt Nam và các quy định của UNESCO về bảo vệ di sản. Để có tiềm lực bảo tồn di sản, cần tranh thủ các nguồn lực về kinh phí cũng như chất xám của nhiều đối tác quốc tế và sự chung sức của toàn xã hội.

“Công tác bảo di tích Cố đô Huế có những khó khăn vượt quá khả năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế, để giải quyết vấn đề này rất cần sự hỗ trợ, quan tâm sát sao của các bộ, ngành”, ông Phong cho hay.

Thế Phong