In bài viết

Quản trị công tốt giúp cải thiện niềm tin của người dân đối với Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Bối cảnh hiện tại với các yếu tố đầy biến động, không chắc chắn, đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao năng lực quản trị. Quản trị công tốt sẽ thúc đẩy tính liêm chính, minh bạch và có được sự tin cậy của người dân. Sự tin tưởng của nhân dân sẽ giúp Chính phủ hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn.

18/10/2023 18:03
Quản trị công tốt giúp cải thiện niềm tin của người dân đối với Chính phủ - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Điều hành EROPA nhiệm kỳ 2024-2025 phát biểu tại Hội nghị EROPA 2023.

Trong 2 ngày (17-18/10), trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới (EROPA) năm 2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội đã diễn ra các phiên hội nghị toàn thể, phiên họp chuyên đề thảo luận về những chính sách quan trọng, cấp bách của nền hành chính công và quản trị công hiện nay; vai trò của quản trị công, đổi mới quản trị công và xây dựng năng lực quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Đổi mới và nâng cao năng lực quản trị công trong bối cảnh mới

Theo các diễn giả, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những điểm mạnh, điểm yếu về thể chế, luật pháp và khả năng lãnh đạo của các quốc gia; đồng thời, cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa năng lực quản trị quốc gia và khả năng quản lý khủng hoảng, cũng như sự phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia.

Trong bối cảnh hiện tại với các yếu tố đầy biến động, không chắc chắn, phức hợp, mơ hồ và sự tác động của các yếu tố này tới xã hội, đòi hỏi đổi mới và nâng cao năng lực quản trị công trong bối cảnh mới.

Để nâng cao năng lực quản trị công, cần chú trọng tới thay đổi tư duy, nâng cao năng lực các nhà lãnh đạo các tổ chức công, thu hút và quản lý nhân tài cho khu vực công; chú trọng công tác khen thưởng, đánh giá để bồi dưỡng nhân tài cho khu vực công. Bên cạnh đó, công nghệ là chìa khóa cho phát triển bền vững, quản trị hiệu quả.

Các diễn giả cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin người dân với Chính phủ và giải pháp nâng cao năng lực của Chính phủ; gia tăng tính minh bạch, phương thức hợp tác của Chính phủ trong phát triển bền vững. Quản trị công tốt giúp cải thiện niềm tin của người dân đối với Chính phủ. Sự tin tưởng của nhân dân giúp Chính phủ hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn.

GS. Amporn Tamronglak, Chủ tịch Hiệp hội Hành chính Thái Lan, Chủ tịch Hiệp hội châu Á – Thái Bình Dương về các vấn đề công vụ đã nêu ra một số vấn đề về phát triển các dịch vụ của Chính phủ để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu và đáp ứng nhu cầu cũng như mong đợi của người dân mọi lúc, mọi nơi; sửa đổi, phát triển sứ mệnh và cơ cấu lại vai trò của các cơ quan Chính phủ để có khả năng phục hồi tốt hơn trước các xu hướng đột phá trong quản trị công; nâng cao hiệu quả và tính tích hợp của hành chính công bằng cách sử dụng công nghệ số. Những hành động trên củaChính phủ sẽ mang lại hạnh phúc cho người dân với sự thuận tiện và dễ tiếp cận với các dịch vụ công.

Với thực tiễn tại Thái Lan, quản trị công có vai trò thúc đẩy cải cách hành chính quốc gia. Thái Lan đặt ra mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực: Luật, tư pháp, hành chính, y tế công, phát triển xã hội, năng lượng, chống tham nhũng… với tầm nhìn 20 năm tới sẽ là: An ninh-thịnh vượng-bền vững.

Chính phủ Thái Lan tập trung phát triển nhân lực ở một số lĩnh vực, trong đó cải cách hành chính là lĩnh vực chủ chốt. Thái Lan tiếp tục thúc đẩy số hóa các hoạt động của Chính phủ, bộ phận một cửa trên nền tảng số, tăng cường sự kết nối giữa Chính phủ và người dân, doanh nghiệp để ứng phó với những thách thức hậu đại dịch COVID-19.

Quản trị công tốt giúp cải thiện niềm tin của người dân đối với Chính phủ - Ảnh 2.

Phiên họp chuyên đề về xây dựng năng lực quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Chia sẻ về lòng tin của người dân vào Chính phủ, ông Kenneth Sim, Viện trưởng Học viện Quản trị Chandler, Singapore cho rằng lòng tin rất quan trọng đối với mọi vấn đề trong xã hội ngày nay. Hiện nay, lòng tin của người dân vào Chính phủ tại nhiều nước trên thế giới đang ở mức thấp.

Theo ông Kenneth Sim, việc xây dựng lòng tin phải bắt đầu bằng việc nâng cao năng lực của Chính phủ, cần phải tăng chỉ số năng lực của Chính phủ tương quan với chỉ số tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, muốn phát triển năng lực của Chính phủ, các tổ chức cần hệ thống lại các kỹ năng quản lý, điều hành, đẩy mạnh năng lực thiết kế chính sách cũng như tham vấn chính sách, cung cấp các thông tin về việc xây dựng hệ thống năng lực cho Chính phủ nhằm tăng lòng tin của người dân vào Chính phủ.

Còn TS. Dato Anesee Ibrahim, Phó Trưởng ban Công vụ Malaysia nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị công tốt là thúc đẩy tính liêm chính, minh bạch và có được sự tin cậy của người dân. Malaysia đã duy trì quyết tâm cải cách qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ Chính phủ; thường xuyên chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế bằng những cải cách khác tốt hơn. Nhờ đó, các tác động cải cách tiếp diễn liên tục, nâng hiệu quả lên mức cao hơn.

Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của công chúng và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan trong quá trình thực thi cải cách góp phần xây dựng trách nhiệm trong thực thi, thúc đẩy thái độ triển khai nhanh chóng và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Cũng theo nhiều diễn giả, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 về cơ bản đã được kiểm soát, các quốc gia cần nhanh chóng khắc phục khó khăn, xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững để tiếp tục phát triển, bắt kịp đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Việc xây dựng, tổ chức triển khai thành công các chiến lược, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản trị công của mỗi quốc gia. Thực tiễn này đặt ra nhu cầu tiếp tục nghiên cứu vai trò của "quản trị công" trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, để từ đó xây dựng các mô hình quản trị hiệu quả, phù hợp với đặc thù của khu vực và của mỗi quốc gia.

Tổ chức Hành chính Miền Đông thế giới (EROPA) bao gồm thành viên từ các quốc gia, tổ chức và cá nhân trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 10 thành viên cấp nhà nước, 58 thành viên là các viện, học viện, trường hành chính công, trường đại học, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản trị nhà nước và hành chính công được công nhận. EROPA còn có 229 thành viên tham gia với tư cách cá nhân.

Hoạt động của EROPA hướng tới thúc đẩy thực tiễn và ứng xử tốt trong hành chính công, quản lý công trong khu vực, nhằm cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn cao cho các Chính phủ và người dân; nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của nền hành chính hiệu lực và hiệu quả; phát triển, thúc đẩy nghiên cứu về hành chính công; tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin và hiểu biết lẫn nhau giữa các tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực hành chính công; phát triển chất lượng lãnh đạo và năng lực quản lý, đặc biệt ở cấp độ lãnh đạo, quản lý cao cấp, trung cấp.

Học viện Hành chính Quốc gia trở thành thành viên cấp nhà nước của EROPA từ năm 1991. Hơn 30 năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia tham gia tích cực và khẳng định năng lực chuyên môn, uy tín trong các hoạt động của EROPA. Hằng năm, Học viện đều cử các đoàn cán bộ lãnh đạo, giảng viên tham gia và trình bày tham luận tại Hội nghị thường niên của EROPA. Đặc biệt, Học viện đã 3 lần đăng cai tổ chức thành công Hội nghị EROPA vào các năm 1997, 2005 và 2014.

Ngày 16/10/2023, Hội đồng Điều hành EROPA lần thứ 68 đã họp thông qua chương trình Hội nghị EROPA 2023, thống nhất bầu PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia giữ chức Chủ tịch Hội đồng Điều hành EROPA, nhiệm kỳ 2024-2025.

Hoàng Giang