Ông Lê Doãn Hợp trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ. Ảnh: VGP/Diệp Anh |
Trong cuộc trò chuyện với ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin, chúng tôi đã được nghe ông khẳng định "niềm tin về tương lai tươi sáng của đất nước khi xây dựng tốt văn hóa con người Việt Nam".
3 thước đo con người văn hóa
Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ông Lê Doãn Hợp đã bày tỏ những băn khoăn bởi theo ông, để xây dựng và tiếp tục phát huy nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Vấn đề trăn trở nhất hiện nay với ông là văn hóa đạo đức xã hội đang xuống cấp, thậm chí chưa rõ điểm dừng. Vì vậy phải quan tâm đến văn hóa đạo đức xã hội, nếu không mọi thứ khác đều vô nghĩa. Do đó Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, theo ông, cần tập trung vấn đề xây dựng văn hóa con người.
Ông cho rằng nếu xét về con người, văn hóa chính là đạo đức, một người có văn hóa bao giờ cũng tỏa ra bên ngoài là con người đạo đức, ngược lại một người có đạo đức bao giờ cũng tỏa ra bên ngoài là người có văn hóa. Văn hóa là tinh hoa của đạo đức, điều đó rất quý giá.
Ông nhớ lại, trong một Hội nghị tổng kết ngành văn hóa-thông tin, rất nhiều đại biểu đặt vấn đề “thế nào là một người có văn hóa và nên xây dựng các tiêu chí nào để xác định một người có văn hóa?”. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành văn hóa-thông tin, ông phải nghĩ để trả lời theo hướng tổng kết thực tiễn chứ không thể nói theo kiểu hàn lâm, học thuyết. Trong đó, ông đã đưa ra 3 thước đo để xác định một người có văn hóa. Đó là văn hóa ứng xử, văn hóa trí tuệ và văn hóa vật chất.
Theo ông Lê Doãn Hợp, người có văn hóa ứng xử tốt là khi đi đâu, xuất hiện ở đâu cũng làm cho mọi người cảm thấy dễ chịu. Từ văn hóa ứng xử cần nâng lên văn hóa trí tuệ. Người có văn hóa trí tuệ khi mới gặp thì ngại, nói chuyện thì khoái, nhưng khi chia tay thì mong ngày gặp lại.
Thước đo thứ 3 cũng là điều rất cần thiết trong tình hình thực tiễn của Đảng ta hiện nay, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang quyết liệt chống tham nhũng, đó là một người có văn hóa là người luôn sống bằng thành quả lao động của mình. Đó là văn hóa vật chất.
“Trong công cuộc phòng chống tham nhũng, chúng ta từng thấy có nhiều người trong nhà có hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn lấy của Nhà nước, mà lấy của Nhà nước chính là lấy của dân”, ông Hợp nói.
3 trụ cột để xây dựng văn hóa quốc gia
Trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản khi còn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thông tin, khi hội đàm với người đồng nhiệm Nhật Bản, ông Lê Doãn Hợp đặt vấn đề với Bộ trưởng Văn hóa Nhật Bản rằng có thể khái quát bằng mấy chữ nói lên đặc trưng văn hóa cao nhất của người Nhật Bản là gì. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nhật Bản lúc bấy giờ chia sẻ điều mà ông rất tâm đắc: “Văn hóa của người Nhật Bản là không làm phiền người khác. Nếu bắt buộc phải làm phiền người khác thì phải nhớ ơn, ghi ơn và phải tìm mọi cách để trả ơn”.
Từ thực tiễn của mình trong quá trình quản lý ở địa phương đến Trung ương và nhất là người đã từng đứng đầu ngành văn hóa-thông tin trước kia, ông Lê Doãn Hợp cho rằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này cần xây dựng văn hóa con người và tập trung tuyên truyền về 3 vấn đề văn hóa cốt lõi nhất, hãy coi đó là 3 trụ cột của quốc gia để xây dựng văn hóa thì đất nước mới phát triển và thăng hoa được.
3 trụ cột để xây dựng đời sống văn hóa mới của Việt Nam để khắc phục nhược điểm, trước hết chính là văn hóa gia đình - nền tảng của xã hội; thứ hai là văn hóa doanh nghiệp - nền tảng kinh tế của đất nước; thứ ba là văn hóa công sở-đạo đức công vụ - là nền tảng chính trị của quốc gia.
Đề cập đến văn hóa gia đình, theo ông Lê Doãn Hợp, mọi sự tốt đẹp của gia đình, dân tộc thậm chí quốc tế đều bắt đầu từ gia đình. Mọi điều không yên, không vui của quốc gia, dân tộc hay thế giới cũng đều xuất phát từ gia đình. Thực tế chỉ có 2 thành phần tạo ra của cải xã hội, một là hộ gia đình, hai là doanh nghiệp. Vì vậy lo cho 2 thành phần này là lo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Vấn đề thứ hai là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chính là nền tảng của kinh tế. Một đất nước không chăm lo văn hóa trong kinh doanh thì không thể có cuộc sống lành mạnh.
“Văn hóa doanh nghiệp lệ thuộc vào 3 điều, đầu tiên là văn hóa của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu không có văn hóa thì không hy vọng văn hóa doanh nghiệp thành công. Tiếp theo là lệ thuộc vào quy chế quản lý nội bộ. Cuối cùng là lệ thuộc vào phân phối lợi ích, công bằng hợp lý. Kinh tế là công bằng chứ không phải cào bằng. Sức khỏe, nhận thức, trình độ, quyết tâm và thành quả khác nhau thì phải hưởng thụ khác nhau. Nếu không có công bằng thì không tạo ra động lực, không tạo ra động lực thì xã hội không thể phát triển nhanh được. Đó chính là văn hóa doanh nghiệp”, ông Hợp nhấn mạnh.
Trụ cột thứ ba là văn hóa công sở-đạo đức công vụ. Ông Lê Doãn Hợp cho rằng, thực tế người dân chủ yếu nhìn vào công chức cơ sở. Đó là cấp gần dân nhất. Dẫn lời nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu “tài sản quý nhất của Chính phủ Singapore là niềm tin của dân”.
“Rất nhiều người vẫn thường tự hỏi giữa đức và tài thì điều nào quan trọng hơn. Thực ra tiêu chuẩn cán bộ muôn thuở vẫn là đức và tài nhưng mỗi thời điểm khác nhau thì nội hàm phải khác nhau. Khi bàn đến văn hóa chính trị, trước hết là đức thì phải gương mẫu; thứ hai, đức là phải dân chủ, dân chủ là cách tốt nhất để tập hợp tài năng, là cách tốt nhất để làm thông thoáng tư tưởng và cũng là cách tốt nhất để ít phạm sai lầm. Tất cả những người phạm sai lầm hầu hết là không dân chủ”, ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh. Vì vậy, theo ông, Đảng phải đề cao dân chủ. Thứ ba, đức chính là nếp sống văn hóa.
Đề cập đến tài, ông Lê Doãn Hợp cũng đưa ra 3 tiêu chuẩn. Trước hết là tầm nhìn. Thứ hai là phải biết tập hợp cái tài của người khác. Thứ ba là phải có sản phẩm.
Ông Lê Doãn Hợp nhớ lại khi ông còn là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và ông Trương Đình Tuyển là Bí thư Tỉnh ủy, cả hai ông được giao 3 chỉ tiêu: Thu ngân sách, giá trị sản xuất tăng thêm, không có đơn thư vượt cấp và người khiếu kiện. Như vậy rõ ràng kinh tế phát triển và dân yên là thước đo chính xác.
Tiêu chuẩn tiếp theo là bản lĩnh. Theo ông Lê Doãn Hợp, có lúc, có nơi, có chỗ, người tích cực chưa đủ áp đảo người tiêu cực. Nên phải chọn người có bản lĩnh để lập lại trật tự có lợi cho người tích cực, có chỗ dựa cho người tích cực và ngăn chặn được tiêu cực. Để làm được điều này không phải đơn giản. Bản lĩnh là phải dám nghĩ, dám làm, dám nói; nói để bảo vệ người tốt, ngăn chặn người không tốt; nói để cứu giúp những người sa ngã vực lại được. Phải xây dựng nếp sống văn hóa chính trị mà ở đó người dân được tôn vinh. Muốn làm được như vậy phải rèn giũa cán bộ.
“Xây dựng trụ cột thứ 3 là văn hóa công sở, đạo đức công vụ phải đào tạo đội ngũ cán bộ hết sức vì dân, phải luôn luôn lấy lòng dân để làm thước đo cán bộ qua từng việc một. Nếu làm tốt 3 trụ cột này thì đất nước sẽ phát triển, đó là những điều dân mong nhất, cần nhất hiện nay”, ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
Đề cập đến việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, ông Lê Doãn Hợp cho rằng, cần tổng kết 35 năm đổi mới trong lĩnh vực văn hóa một cách toàn diện, trong đó cần xoáy sâu và tập trung vào vấn đề con người Việt Nam, vào văn hóa đạo đức trong Đảng để làm mẫu, làm hình cho cả xã hội.Diệp Anh (thực hiện)