![]() |
Thượng úy quân y Nguyễn Tiến Sĩ, 23 năm theo sát các chiến sĩ rà mìn |
Họ mang theo đầy đủ các dụng cụ sơ cứu, thuốc men mỗi khi có “chiến dịch” rà phá. Nhưng chính các chiến sĩ quân y cũng là người làm công tác tuyên truyền trong nhân dân, cùng với các chiên sĩ công binh tổ chức nơi ăn ở, giáo dục thanh thiếu niên trên địa bàn về nguy cơ vướng mìn, cách phòng tránh.
Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Sĩ là một y sĩ. Anh không nghĩ mình lại gắn bó với các chiến sĩ rà phá mìn tới 23 năm. Suốt những năm tháng phục vụ, theo các đơn vị lặng lẽ phát quang, rà từng phân đất, đào từng búi cỏ, Thượng úy Sĩ hiểu sự nguy hiểm rình rập dưới búi cỏ lùm cây.
Sĩ kể chuyện, năm 2005, anh cùng phân đội của đoàn 575 tác nghiệp tại khu vực Bản Dù huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, hôm ấy trời mưa, các chiến sĩ đã bất cẩn để trái mìn nổ cách ba mét. May mà người rà mìn không chết. Từ bài học đó, các chỉ huy càng coi trọng công tác an toàn, không thể lơ là.
Để an toàn trong công tác nguy hiểm này, Sĩ thường nhắc các chiến sĩ trẻ và cùng chỉ huy phân đội phê phán những động thái cẩu thả, công tác chuẩn bị về dụng cụ và trang phục không đúng.
Nhiều năm theo các đội rà phá mìn, Sĩ nhận rõ tính cách từng người, ai cẩn trọng, ai luộm thuộm, từ đó anh tâm sự và tìm các giúp anh em chiến sĩ, đồng thời theo sát kiểm tra và cảnh báo những hành vi rủi ro.
Với các y tá trẻ đi theo phân đội rà mìn, các thày thuốc có tay nghề nhiều năm như Sĩ thường huấn luyện cho anh em công tác sơ cứu ban đầu hiệu quả nhất.
Những người lính công binh rà mìn ở đoàn 575 hay ở tỉnh đội Lạng Sơn Quân khu I luôn coi các quân y sĩ trong đội hình công tác của mình như những thành viên quan trọng. Có họ, chiến sĩ rà mìn thêm tự tin. Có họ trên thực địa nhắc nhở lính công binh luôn cẩn trọng, thực hành các thao tác chuẩn, giải phóng từng thước đất, trả lại màu xanh cho bà con bản làng.
Trần Minh